10 vụ bê bối lớn nhất của truyền thông thiên tả năm 2024

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống Mỹ/ Daily News on Youtube/ TỘI PHẠM / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/ Tin Ngắn 24/7

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

Thiên Vân•Thứ Năm, 02/01/2025
Năm 2024 đánh dấu một chương đặc biệt đáng nhớ trong lịch sử truyền thông, với những sự kiện nổi bật như chiến thắng lịch sử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, hai vụ ám sát hụt nhắm vào ông, cùng sự kiện Tổng thống Biden rút lui đầy bất ngờ khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Song song với đó là những cơn bão tàn khốc, những chiếc máy bay không người lái bí ẩn, và tình trạng bất ổn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ các tin tức trên thế giới thu hút sự chú ý, mà chính nội bộ ngành báo chí cũng trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi. Năm 2024 chứng kiến đầy rẫy những cuộc khủng hoảng trong các hãng tin, những quyết định biên tập gây tranh cãi, và thậm chí cả một mối quan hệ tình cảm không phù hợp trong kỳ bầu cử.

.

Dưới đây là 10 vụ bê bối chấn động nhất của truyền thông trong năm 2024:
NBC và câu chuyện thuê rồi sa thải bà Ronna McDaniel
NBC News đã phải đối mặt với một làn sóng phản đối gay gắt, ngay cả từ chính đội ngũ của mình, sau khi mạng lưới này thông báo vào tháng Ba rằng họ đã tuyển dụng cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel làm cộng tác viên.

Việc các hãng tin lớn tuyển dụng những cựu chính trị gia, quan chức nhà nước hay những người trong giới chính trị vốn dĩ đã tồn tại từ lâu và thường ít gây tranh cãi. Thế nhưng, lần này lại khác. Một loạt các gương mặt tên tuổi của đài NBC, đặc biệt từ kênh truyền hình cáp có thiên hướng ủng hộ cánh tả MSNBC, đã công khai phản đối quyết định tuyển dụng bà McDaniel, viện dẫn sự ủng hộ của bà đối với ông Trump, cùng những cáo buộc liên quan đến nỗ lực cản trở chứng nhận kết quả bầu cử tại tiểu bang Michigan vào năm 2020.

“Chúng tôi không được hỏi ý kiến về quyết định tuyển dụng này, nhưng nếu được hỏi chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ vì nhiều lý do, bao gồm nhưng không giới hạn, như các luật sư thường nói, vai trò của bà McDaniel trong kế hoạch cử tri giả mạo của ông Donald Trump và việc bà ta gây áp lực lên các quan chức bầu cử để không chứng nhận kết quả trong khi Donald Trump đang gọi điện”, ông Joe Scarborough của đài MSNBC cho hay trong chương trình “Morning Joe”.

Bà Rachel Maddow, ngôi sao sáng giá của đài MSNBC, đã không ngần ngại chỉ trích quyết định “không thể hiểu nổi” của đài NBC và bày tỏ hy vọng rằng mạng lưới này sẽ sớm đảo ngược quyết định đó.

Các gương mặt nổi bật khác của NBC như Chuck Todd, Nicolle Wallace, Joy Reid và Jen Psaki cũng đồng loạt lên tiếng phản đối thông qua một chiến dịch phát sóng phối hợp. Ông Todd đã bày tỏ sự bất mãn trong chương trình “Meet the Press” ngay sau khi đồng nghiệp Kristen Welker phỏng vấn bà McDaniel – lần xuất hiện duy nhất của bà với tư cách là cộng tác viên.

“Tôi nghĩ rằng các lãnh đạo của chúng tôi nợ cô [Kristen Welker] một lời xin lỗi vì đã đặt cô vào tình huống khó xử thế này. Bản thân tôi giờ cũng không biết phải tin vào điều gì nữa”, ông Todd nói.

Một người trong nội bộ đã chia sẻ với Fox News rằng: “Tôi chưa từng nói chuyện với ai mà người đó nghĩ [việc tuyển dụng bà McDaniel] là một ý tưởng hay”.

Chỉ bốn ngày sau khi được đài NBC tuyển dụng, bà McDaniel đã chính thức bị sa thải, khép lại câu chuyện đầy tai tiếng này.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, những ngày qua thực sự khó khăn đối với nhóm tin tức của chúng tôi. Sau khi lắng nghe những lo ngại chính đáng từ nhiều người trong các bạn, tôi đã quyết định rằng Ronna McDaniel sẽ không còn là cộng tác viên của NBC News”, Chủ tịch NBCUniversal News Group Cesar Conde chia sẻ trong một văn bản gửi tới nhân viên.

Ông Conde thừa nhận rằng quyết định tuyển dụng bà McDaniel đã làm xói mòn mục tiêu xây dựng một hãng tin “đoàn kết và thống nhất” và đã gửi lời xin lỗi đến toàn bộ nhân viên.

“Tôi muốn đích thân gửi lời xin lỗi tới các thành viên trong đội ngũ, những người cảm thấy rằng chúng tôi đã khiến họ thất vọng. Dù đây là một khuyến nghị tập thể từ một số thành viên trong đội ngũ lãnh đạo của chúng ta, tôi đã phê duyệt nó và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này”, ông Conde viết.

Biên tập viên kỳ cựu của NPR tố cáo phe cánh tả chi phối hãng tin
Một trong những câu chuyện truyền thông gây chấn động nhất năm 2024 đến từ ông Uri Berliner, một biên tập viên kỳ cựu tại NPR. Ông Berliner đã công khai tố cáo hệ tư tưởng tự do cánh tả đã chi phối hãng tin mà ông làm việc. 

Trong một bài luận đầy tâm huyết đăng trên “The Free Press” vào tháng Tư, ông Berliner đã phơi bày sự thờ ơ của NPR trước vụ bê bối máy tính xách tay của ông Hunter Biden, quyết định bác bỏ giả thuyết virus COVID rò rỉ từ phòng thí nghiệm, quyết định “né tránh đáng lo ngại” trước làn sóng bài Do Thái gia tăng sau vụ tấn công khủng bố ngày 7 tháng 10 tại Israel, và sự sùng bái mà NPR dành cho Dân biểu Adam Schiff (Đảng Dân chủ, California), coi ông ta là một “[nhân vật] truyền cảm hứng bất tận” trong vụ điều tra cáo buộc thông đồng Trump-Nga trong kỳ bầu cử 2016. 

Ông Berliner còn nêu bật thực trạng thiếu vắng đa dạng hệ tư tưởng trong đội ngũ biên tập, khi tuyên bố số lượng đảng viên Dân chủ đăng ký áp đảo số lượng đảng viên Cộng hòa tại phòng tin tức Washington với tỷ lệ chênh lệch đáng kinh ngạc 87-0, dựa trên nghiên cứu của ông về hồ sơ bầu cử. Dẫu vậy, một người phát ngôn của NPR đã phủ nhận cách ông Berliner nhận định tình hình, đồng thời cho rằng phương pháp luận mà ông Berliner sử dụng để đưa ra những kết luận này không đáng tin cậy.

Ban đầu, ông Berliner bị đình chỉ với lý do vi phạm quy định của NPR về việc xin phép trước khi phát ngôn với báo chí. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, ông Berliner đã bị chỉ trích công khai bởi chính Giám đốc Điều hành NPR Katherine Maher, dẫn đến quyết định từ chức của ông.

Từ sau sự kiện đó, ông Berliner đã gia nhập “The Free Press” với vai trò biên tập viên cao cấp, mở ra một chương mới trong hành trình sự nghiệp làm báo của mình.

Người điều hành cuộc tranh biện tổng thống của đài ABC bị chỉ trích vì kiểm chứng thông tin thiên lệch chống lại ông Trump
Vào ngày 10 tháng 9, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ABC News khi mạng lưới này tổ chức cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên và duy nhất giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Hai người điều hành, ông David Muir và bà Linsey Davis, đã kiểm chứng thông tin của ông Trump tới năm lần, nhưng lại không hề thách thức, đặt ra bất kỳ câu hỏi nào để kiểm chứng những tuyên bố của bà Harris, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Trong một khoảnh khắc đáng chú ý, ông Muir thậm chí đã chất vấn ông Trump về việc liệu cựu tổng thống có đang tỏ ý mỉa mai hay không, như ông Trump tuyên bố sau khi ông được hỏi về các phát ngôn trước đây thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

“Tôi đã xem qua tất cả các đoạn video này. Tôi không nhận thấy sự mỉa mai nào”, ông Muir nói với ông Trump.

Cuộc tranh biện tổng thống đó đã bị các nhà phê bình chỉ trích gay gắt, nhận định đó là một màn tranh đấu ba chọi một. Thậm chí, các phóng viên có quan điểm cánh tả của chương trình “Saturday Night Live” trên NBC cũng không bỏ lỡ cơ hội chế giễu mạng lưới đối thủ vì sự “thiên vị trắng trợn“.

Bà Olivia Nuzzi và mối quan hệ “tình tứ” với ông Kennedy
Vào tháng Chín, bà Olivia Nuzzi, phóng viên nổi danh của tờ New York Magazine, bất ngờ trở thành tâm điểm của một vụ bê bối truyền thông khi mối quan hệ cá nhân giữa bà và ông Robert F. Kennedy Jr., ứng viên tổng thống độc lập, được đưa ra ánh sáng. Ông Kennedy  hiện đang là phu quân của nữ minh tinh Cheryl Hines.

Mối quan hệ “tình tứ” bị cáo buộc này đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các tờ báo lá cải, thống trị những cuộc bàn tán trong ngành truyền thông khi câu chuyện này trở nên công khai. Một trong những tin đồn gây xôn xao nhất là bài viết của Puck được lan truyền rộng rãi, khẳng định rằng bà Nuzzi đã gửi những bức ảnh khỏa thân “e lệ (demure)” cho ông Kennedy.

“Vào đầu năm nay, một số lần trao đổi giữa tôi và một đối tượng trong công việc đã chuyển hướng mang tính cá nhân. Tôi không trực tiếp đưa tin về đối tượng này cũng như sử dụng họ làm nguồn tin. Mặc dù mối quan hệ này chưa bao giờ mang tính thể xác, nhưng lẽ ra tôi nên công khai để tránh tạo ấn tượng không tốt. Tôi rất tiếc vì đã không làm điều đó ngay lập tức và chân thành xin lỗi những ai đã cảm thấy thất vọng, đặc biệt là đồng nghiệp tại New York”, bà Nuzzi thú nhận trong một tuyên bố đầu tiên. 

Trước đó, phát ngôn viên của ông Kennedy cũng lên tiếng phủ nhận mọi mối quan hệ thể xác nào, nhấn mạnh rằng ông Kennedy chỉ gặp bà Nuzzi đúng một lần.

Bên cạnh đó, còn có thông tin cho rằng bà Nuzzi đã hủy bỏ đính hôn với ông Ryan Lizza, trưởng phóng viên Washington của Politico kiêm đồng tác giả chuyên mục Playbook trong bối cảnh mối quan hệ giữa bà và ông Kennedy bị phơi bày ra ánh sáng, đã khiến dư luận càng thêm bất ngờ. Ông Lizza đã xin nghỉ phép tại Politico giữa làn sóng chỉ trích.

Bà Nuzzi đã bị New York Magazine đình chỉ công tác trong khi tạp chí này tiến hành điều tra liệu bài viết của bà về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 có bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ không phù hợp với ông Kennedy hay không. Cả tạp chí lẫn công ty luật được thuê đã kết luận rằng không tìm thấy “sai sót hay bằng chứng thiên vị nào“.

Đến tháng Mười, bà Nuzzi và tạp chí New York Magazine đã chính thức chia tay.

Nội bộ CBS News dậy sóng vì cuộc phỏng vấn giữa ông Dokoupil với ông Coates
Vào tháng Mười, ông Tony Dokoupil, người dẫn chương trình “CBS Mornings”, vấp phải làn sóng chỉ trích từ các đồng nghiệp có tư tưởng cấp tiến sau khi ông Dokoupil tranh luận gay gắt với tác giả cấp tiến Ta-Nehisi Coates trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Dokoupil, với gốc gác Do Thái có con cái sinh sống tại Israel, đã đặt câu hỏi sắc bén về “The Message”, cuốn sách chống Israel mạnh mẽ của ông Coates, một tác phẩm bị những cử tri ủng hộ nhà nước Do Thái chỉ trích mạnh mẽ vì luận điểm nông cạn về xung đột phức tạp giữa Israel-Palestine.

“Những nội dung đó không khác gì tài liệu trong ba-lô của một phần tử cực đoan”, ông Dokoupil nói với ông Coates, ám chỉ một đoạn trong sách miêu tả chuyến đi của ông Coates đến Israel và vùng lãnh thổ Palestine. Ông Dokoupil tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao lại bỏ qua quá nhiều [khía cạnh] quan trọng?” và “Điều gì làm ông đặc biệt phản cảm với sự tồn tại của một nhà nước Do Thái như là nơi trú ẩn an toàn cho người dân Do Thái?”

Ban lãnh đạo CBS đã cố gắng trấn an những nhân viên bất mãn, tuyên bố rằng sau khi rà soát, họ kết luận cuộc phỏng vấn không đáp ứng “tiêu chuẩn biên tập” của công ty, theo The Free Press, tờ báo đã có được bản ghi âm cuộc họp nội bộ.

Mặc dù một nguồn tin quen thuộc nói với Fox News rằng dù không bị kỷ luật, ông Dokaupil vẫn bị buộc phải tham gia các buổi họp với đơn vị Chủng tộc và Văn hóa (Race and Culture) của đài. Theo tờ The New York Times, các buổi họp đó sẽ tập trung vào “giọng điệu, cách diễn đạt và ngôn ngữ cơ thể” của ông Dokoupil trong cuộc phỏng vấn.

Theo The New York Times, ông Dokoupil đã bày tỏ sự hối tiếc với các nhân viên trong một cuộc họp nội bộ, với một nguồn tin nội bộ mô tả: “Đã có nước mắt. [Mọi người] rất buồn”.

Dẫu vậy, một số đồng nghiệp đã lên tiếng bảo vệ ông, như phóng viên pháp lý của CBS News, Jan Crawford, đã bênh vực ông trong một cuộc họp qua điện thoại của mạng lưới, và bà Shari Redstone, Chủ tịch công ty mẹ CBS News là Paramount Global, gọi cách xử lý của CBS với ông Dokoupil là một “sai lầm”. Giám đốc điều hành CBS, George Cheeks, đã đưa ra một văn bản về vấn đề này nhận được sự ủng hộ của ban lãnh đạo mạng lưới.

Chương trình ‘60 Minutes’  gây hoang mang với cuộc phỏng vấn bà Kamala Harris
Chương trình “60 Minutes” của CBS, với truyền thống phát sóng lâu đời, đã phải đối mặt với một vụ tranh cãi kỳ lạ trong cuộc phỏng vấn vào tháng Mười với Phó Tổng thống Kamala Harris, khi hai câu trả lời của bà cho cùng một câu hỏi dường như khác nhau.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên kỳ cựu Bill Whitaker, bà Harris được hỏi về lý do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như không lắng nghe Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Gaza leo thang. Một đoạn trích được phát sóng trên chương trình “Face the Nation” cho thấy bà Harris đưa ra câu trả lời đầy mơ hồ, bị các nhà bảo thủ chế giễu là “một mớ từ ngữ lộn xộn”. Tuy nhiên, trong chương trình đặc biệt phát sóng giờ vàng vào tối hôm sau, lại xuất hiện một câu trả lời hoàn toàn khác biệt.

“Chà, Bill, những công việc mà chúng tôi đã thực hiện đã dẫn đến một số động thái trong khu vực đó của Israel, phần lớn được thúc đẩy bởi, hoặc là kết quả của, nhiều điều, bao gồm cả sự vận động của chúng tôi cho những gì cần xảy ra trong khu vực”, bà Harris trả lời trong một đoạn trích phát sóng trong chương trình “Face the Nation” vào ngày 6 tháng 10.

Tuy nhiên, khi phát sóng trong chương trình đặc biệt “60 Minutes”, một câu trả lời khác ngắn gọn, rõ ràng, tập trung hơn cho câu hỏi tương tự đã được đưa ra.

“Chúng tôi sẽ không ngừng theo đuổi những gì là cần thiết để Hoa Kỳ khẳng định lập trường của mình về sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến này”, bà Harris nói trong chương trình đặc biệt.

CBS News không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho sự khác biệt này và từ chối công bố đầy đủ bản ghi phỏng vấn của bà Harris, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch. Cựu Tổng thống Trump thậm chí còn kêu gọi thu hồi giấy phép phát sóng của CBS, đồng thời đệ đơn kiện cáo buộc đài CBS đã can thiệp vào cuộc bầu cử.

“Cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc 60 Minutes chỉnh sửa gian dối cuộc phỏng vấn vào ngày 7 tháng 10 với Phó Tổng thống Kamala Harris. Điều đó là sai. 60 Minutes đã trích dẫn một đoạn trong cuộc phỏng vấn cho Face the Nation, sử dụng một phần dài hơn trong câu trả lời của bà [Harris] so với phần phát sóng trên 60 Minutes. Cùng một câu hỏi. Cùng một câu trả lời. Nhưng một đoạn trích khác của câu trả lời [đã được chọn để phù hợp với từng chương trình]”, chương trình tuyên bố trong một thông báo vào tháng Mười.

LA Times và Washington Post từ bỏ truyền thống ủng hộ ứng cử viên tổng thống
Một số tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ đã tự trở thành đề tài dư luận khi quyết định chấm dứt truyền thống công khai ủng hộ các ứng cử viên tổng thống kéo dài hàng thập kỷ, khiến đội ngũ nhân viên cấp tiến trong nội bộ bất mãn.

Tờ Los Angeles Times đã mở đầu làn sóng này với quyết định táo bạo từ chủ sở hữu, Tiến sĩ Patrick Soon-Shiong, rằng tờ báo sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2024. Quyết định này đã châm ngòi cho một loạt quyết định từ chức, bao gồm biên tập viên xã luận Mariel Garza, cùng hai thành viên kỳ cựu của ban biên tập là Robert Greene và Karin Klein.

Ông Harry Litman, nhà bình luận lâu năm của Los Angeles Times, cũng đã đệ đơn từ chức vào tháng Mười Hai, cho rằng quyết định này là “sự đầu hàng đáng xấu hổ” trước ông Trump sau khi ông Soon-Shiong thực hiện các động thái nhằm điều chỉnh lại lập trường của tờ báo, chẳng hạn như mời nhà bình luận bảo thủ Scott Jennings tham gia vào ban biên tập tái cấu trúc.

Không lâu sau đó, tờ The Washington Post cũng tuyên bố từ bỏ truyền thống ủng hộ ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống. Tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu của tờ báo, đã đích thân hủy bỏ kế hoạch ủng hộ bà Harris của ban biên tập – một thay đổi mang tính bước ngoặt, bởi The Washington Post từng đứng về phía ứng cử viên Đảng Dân chủ trong mọi kỳ bầu cử tổng thống kể từ năm 1976, ngoại trừ năm 1988 khi họ không đưa ra sự ủng hộ nào.

Quyết định này đã châm ngòi cho làn sóng phản đối, từ liên đoàn của tờ báo đến các nhà bình luận nổi tiếng, trong đó 20 nhà bình luận đã nhất trí cùng nhau ký vào một bức thư ngỏ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều thành viên ban biên tập đã từ chức, và biên tập viên kỳ cựu Robert Kagan cũng chia tay tờ báo.

The Washington Post cũng chịu tổn thất lớn khi được cho là đã mất 250.000 người đăng ký trả phí, giáng một đòn tài chính nặng nề khác khi tờ báo vốn đã trên đà thua lỗ 77 triệu USD trong năm 2024.

Ông Bezos, trong một bài xã luận đầy tâm huyết, đã bảo vệ quyết định này, viện dẫn cử tri mất lòng tin vào truyền thông đang ngày càng gia tăng.

“Chỉ riêng [quyết định] từ chối ủng hộ các ứng cử viên tổng thống không đủ để nâng cao đáng kể mức độ [công chúng tin tưởng tờ báo], nhưng đó là một bước đi đầy ý nghĩa theo hướng đúng đắn. Tôi ước rằng chúng tôi đã thực hiện thay đổi này sớm hơn, ở một thời điểm cách xa hơn so với cuộc bầu cử và những cảm xúc bùng nổ xung quanh nó. Đó là sự thiếu sót trong kế hoạch, chứ không phải một chiến lược cố ý”, ông Bezos viết.

Ông Sharpton và vụ bê bối ‘trả tiền để được phỏng vấn’ trước cuộc trò chuyện với bà Harris trên MSNBC
Người dẫn chương trình MSNBC, Mục sư Al Sharpton, đã khiến dư luận nghi vấn khi phát hiện rằng tổ chức phi lợi nhuận của ông, National Action Network, đã nhận được khoản tài trợ 500.000 USD từ chiến dịch tranh cử của bà Harris ngay trước cuộc phỏng vấn thân thiện vào ngày 20 tháng 10 với ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử.

Sau thất bại của bà Harris trước Tổng thống đắc cử Donald Trump, các báo cáo từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) tiết lộ rằng chiến dịch tranh cử của bà Harris đã gửi hai khoản quyên góp trị giá 250.000 USD mỗi khoản cho tổ chức phi lợi nhuận của ông Sharpton vào tháng Chín và tháng Mười. Tuy nhiên, ông Sharpton, người dẫn chương trình cuối tuần của MSNBC, không hề công khai thông báo về xung đột lợi ích này với khán giả trước hoặc sau cuộc phỏng vấn. Ngoài ra, ông Sharpton cũng hề không báo cáo về các khoản quyên góp này cho các lãnh đạo tại MSNBC, theo báo cáo của Washington Free Beacon.

Phía MSNBC cho biết với Washington Free Beacon rằng họ “không hay biết” về các khoản thanh toán cho tổ chức phi lợi nhuận của ông Sharpton.

Mặc dù bị cuốn vào vụ bê bối “trả tiền để được phỏng vấn”, ông Sharpton vẫn tiếp tục dẫn chương trình cuối tuần và thường xuyên xuất hiện trên các chương trình khác của đài MSNBC, dường như không chịu bất kỳ hậu quả nào từ sự việc này.

Người dẫn chương trình ‘Morning Joe’ của đài MSNBC đối mặt làn sóng chỉ trích vì gặp gỡ ông Trump
Trong những ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, ông Joe Scarborough và bà Mika Brzezinski, những người dẫn chương trình nổi tiếng của chương trình “Morning Joe” trên đài MSNBC, đã khiến khán giả cánh tả bàng hoàng khi tiết lộ rằng họ đã gặp gỡ Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Mar-a-Lago. Đây là lần gặp mặt đầu tiên giữa đôi bên sau bảy năm qua.

“Đối với những người thắc mắc tại sao chúng tôi lại đi nói chuyện với tổng thống đắc cử trong thời điểm đầy căng thẳng này, nhất là [với mối quan hệ không mấy êm đẹp] giữa chúng tôi, tôi chỉ có thể hỏi ngược lại – tại sao không? Năm năm chiến tranh chính trị đã chia rẽ sâu sắc Washington và đất nước. Chúng tôi đã thể hiện rõ ràng nhất có thể về những quan ngại sâu sắc của mình đối với những hành động và lời nói của Tổng thống Trump trong việc làm [suy thoái] các cuộc tranh luận trong xã hội”, bà Brzezinski chất vấn. 

Việc hai ngôi sao của MSNBC tiết lộ sự kiện này đã châm ngòi cho một làn sóng phản đối dữ dội từ khán giả cánh tả, nhiều người tuyên bố sẽ tẩy chay chương trình. Ngay cả đồng nghiệp của họ, nhà bình luận MSNBC Jennifer Rubin, cũng tiếp lửa cho phong trào và công khai chỉ trích hai người dẫn chương trình.

Bất chấp những áp lực to lớn từ đồng nghiệp và khán giả, cả ông Scarborough lẫn bà Brzezinski vẫn giữ thái độ kiên định, kiên quyết bảo vệ quyết định gặp mặt ông Trump của mình sau khi một khách mời thường xuyên của họ, ông David Frum từ tờ The Atlantic, đưa ra bình luận ám chỉ rằng họ đang sống trong “sợ hãi” khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. 

“Hãy để tôi nói với anh điều này, anh có thể hỏi bất kỳ ai từng làm việc tại văn phòng chính của NBC và MSNBC trong suốt 22 năm qua, [họ sẽ] nói với anh rằng tôi chưa bao giờ biết sợ là gì. Hãy hỏi bất kỳ ai từng làm việc cùng tôi tại Quốc hội, họ sẽ nói với anh, [tôi] không sợ hãi trước lãnh đạo. Và ngay lúc này? Tôi vẫn không sợ hãi”, ông Scarborough khẳng định.

ABC News buộc phải trả ông Trump 15 triệu USD trong vụ kiện phỉ báng mang tính lịch sử
ABC News đã buộc phải chi trả cho ông Trump một khoản bồi thường khổng lồ lên tới 15 triệu USD và công khai xin lỗi trong một thỏa thuận phỉ báng được đánh giá là mang tính lịch sử.

Ông Trump đã đệ đơn kiện mạng lưới truyền thông thuộc sở hữu của Disney này đầu năm nay, sau khi người dẫn chương trình George Stephanopoulos có một cuộc đối thoại gây tranh cãi với Dân biểu Nancy Mace (Đảng Cộng hòa, Nam Carolina), trên chương trình tin tức buổi sáng chủ nhật “This Week” vào tháng Ba.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Stephanopoulos đã lặp lại tới mười lần rằng ông Trump “bị quy trách nhiệm về tội hiếp dâm”, trong khi thực tế, bồi thẩm đoàn trong vụ kiện dân sự của bà E. Jean Carroll chỉ kết luận rằng ông Trump chịu trách nhiệm về tội “lạm dụng tình dục”, một thuật ngữ có định nghĩa khác biệt theo luật pháp tiểu bang New York.

Ban đầu, ông Stephanopoulos không chùn bước sợ hãi trước vụ kiện, tuyên bố trong một buổi phỏng vấn trên chương trình đêm khuya với ông Stephen Colbert rằng ông sẽ không “bị đe dọa mà mà từ bỏ công việc của mình chỉ vì một lời đe dọa”.

“Trump kiện tôi vì tôi sử dụng từ ‘hiếp dâm,’ mặc dù một thẩm phán đã nói đó thực sự là điều đã xảy ra. Chúng tôi đã nộp đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện”, ông Stephanopoulos khẳng định với ông Colbert.

Tuy nhiên, một thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu của đài ABC News về việc bác bỏ vụ kiện của ông Trump và yêu cầu ABC News dàn xếp với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng Mười Hai trước khi vụ kiện bước vào một phiên tòa tốn kém.

Theo thỏa thuận, đài ABC News sẽ chi trả 15 triệu USD dưới hình thức đóng góp từ thiện cho một “quỹ tổng thống và bảo tàng được thành lập bởi hoặc dành cho Nguyên đơn, như các Tổng thống Hoa Kỳ trước đây đã từng thành lập”. Ngoài ra, mạng lưới còn phải chi trả 1 triệu USD phí luật sư cho ông Trump.

Ông Stephanopoulos cùng đài ABC News cũng phải đăng tuyên bố “hối tiếc” dưới dạng ghi chú của biên tập viên ở cuối một bài báo trên trang web của đài ABC News. Ghi chú viết: “ABC News và George Stephanopoulos bày tỏ hối tiếc về những tuyên bố liên quan đến Tổng thống Donald J. Trump được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn giữa George Stephanopoulos với Dân biểu Nancy Mace trên chương trình This Week của ABC ngày 10 tháng 3 năm 2024”.

Các nhà phê bình cánh tả từ những mạng lưới đối thủ như CNN, NBC và MSNBC đã cáo buộc ABC News “quỳ gối” trước ông Trump, đồng thời lo ngại rằng quyết định này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

“Đây thực sự là một cú sốc đối với tôi và là một đòn giáng mạnh vào bất kỳ ai làm việc tại một công ty truyền thông lớn, bởi tôi nghĩ rằng điều này đã đặt ra một tiền lệ mà [chúng ta] sẽ rất khó có thể thoát ra được”, ông Chuck Todd của NBC chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Thiên Vân, theo Fox News

Xem các tin khác của Hoa Kỳ & Thế Giới trong ngày

Tin Ngắn 24/7

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *