Home / Home page Achives/ Tin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ / Sự kiện / Đời Sống Mỹ/ Tin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạ/ Lưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/
TIN TỨC HÀNG NGÀY
TIN PORTLAND & VANCOUVER/ HOA KỲ & THẾ GIỚI/ NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI/ TIN VIỆT NAM
Cao Vân•Thứ Tư, 02/10/2024
Khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 bước vào giai đoạn nước rút cuối cùng, các nhà quan sát chính trị bắt đầu chú ý đến “bất ngờ tháng 10” có thể xảy ra. Mặc dù cuộc bầu cử này đã chứng kiến đủ sự kiện gây sốc, nhưng các chuyên gia tin rằng những sự kiện lớn có thể thay đổi kết quả bầu cử vẫn có thể xảy ra vào thời điểm quan trọng trước Ngày Bầu cử (5/11).
.
Theo báo cáo của The Hill, nhìn lại 2 cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đều có những “bất ngờ tháng 10” gây chấn động Hoa Kỳ. Năm 2016 xảy ra vụ việc cuốn băng “Access Hollywood” và bức thư của Comey. Năm 2020 xảy ra vụ bê bối máy tính xách tay của Hunter Biden.
Dựa trên phân tích tình hình mới nhất, bài viết này nêu ra 5 “bất ngờ lớn của tháng 10” có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.
Video hoặc file ghi âm mới bị tiết lộ
Những năm gần đây, những phát ngôn lịch sử của ứng viên liên tục bị vạch trần và gây náo động.
Rủi ro lớn nhất đối với bà Kamala Harris là quan điểm chính sách trước đây của bà có thể bị đào bới lại. Giới truyền thông đang chú ý đến một số tuyên bố của bà Harris trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, như ủng hộ lệnh cấm khai thác dầu khí đá phiến và hợp pháp hóa nhập cư bất hợp pháp.
Nếu nhiều bình luận của bà từ thời còn là ứng cử viên tổng thống, công tố viên hoặc thượng nghị sĩ được tiết lộ, chúng có thể gây ra rắc rối mới cho chiến dịch tranh cử của bà. Mặc dù bà Harris đã tránh xa những quan điểm đó trong chiến dịch này, nhưng file ghi âm và video bị tiết lộ vẫn có thể trở thành đòn công kích bà.
Sau gần 10 năm sự nghiệp chính trị của Donald Trump, những ngôn luận của ông đã khó có thể khơi dậy phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Tuy nhiên, nếu những cam kết của ông với các nhà tài trợ trong những sự kiện gặp mặt kín bị lộ, như cắt giảm thuế cho người giàu, thì vẫn có thể gây ra tranh cãi.
Việc lộ ra những ngôn luận gây tranh cãi gần đây của ứng cử viên thống đốc Đảng Cộng hòa Bắc Carolina Mark Robinson đã minh họa cho tác động của những sự cố như vậy.
Thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng
Sự tàn phá gần đây do cơn bão Helene gây ra cho thấy, thiên tai có thể tác động đáng kể đến giai đoạn cuối của một chiến dịch bầu cử.
Bão Helene đã tàn phá Florida, Georgia và Bắc Carolina gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng và khiến hàng triệu người sống trong cảnh mất điện. Hôm thứ Hai (30/9), Cố vấn An ninh Nội địa Nhà Trắng, bà Liz Sherwood-Randall, tiết lộ rằng có tới 600 người vẫn mất tích.
Thảm họa này đã gây ra những hậu quả chính trị ngay lập tức. Bà Harris đã phải cắt ngắn chuyến đi vận động tranh cử ở Bờ Tây, trở về Washington D.C để nghe báo cáo về thảm họa. Bà dự kiến sẽ đến thăm khu vực thảm họa trong thời gian tới, trong khi ông Trump đã tới Georgia vào thứ Hai (30/9) để khảo sát thiệt hại.
Thảm họa cũng có thể ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu sớm, đặc biệt là ở các bang chiến trường quan trọng như Bắc Carolina và Georgia, nơi việc bỏ phiếu sớm dự kiến sẽ bắt đầu trong tương lai gần. Cuộc bầu cử ở hai bang này đang rất gần và có thể trở thành mấu chốt quyết định kết quả tổng tuyển cử.
Mùa bão lũ tiếp tục kéo dài đến tháng 11, Bờ Vịnh có thể sẽ hứng chịu nhiều cơn bão lớn hơn. Các quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo, rằng những cơn bão dữ dội, có sức tàn phá ngày càng lớn có thể gây ra những hậu quả không lường trước được cho cuộc bầu cử.
Bạo lực chính trị
“Bất ngờ tháng 10” đáng lo ngại nhất có thể là bạo lực đối với các ứng cử viên, nhân viên bầu cử hoặc các quan chức khác.
Trong những tháng gần đây, ông Trump đã trở thành mục tiêu của 2 vụ nỗ lực ám sát, làm dấy lên lo ngại rằng sự chia rẽ chính trị có thể trở thành bạo lực.
Cựu Tổng thống bị một viên đạn bắn sượt qua tại một cuộc biểu tình vào tháng 7. Vào tháng 9, một tay súng được cho là đã đợi gần một trong những câu lạc bộ chơi golf của ông Trump cho đến khi người này bị các nhân viên Mật vụ phát hiện, truy đuổi và bắt giữ.
Vào cuối tháng 7, một người đàn ông ở Virginia đã bị bắt vì tình nghi đe dọa giết bà Harris.
Vào tháng 9, NBC News đưa tin, FBI đang điều tra các vụ việc trong đó các quan chức bầu cử ở ít nhất 6 tiểu bang đã nhận được những gói hàng đáng ngờ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông John Murphy, giáo sư tại Đại học Illinois, người nghiên cứu về hùng biện chính trị, cho biết mối quan tâm lớn nhất của ông là quá trình kiểm phiếu, các thẩm phán bầu cử và bạo lực. Ông đã có một mô hình khá rõ ràng về các mối đe dọa nổi lên với những người có quyền kiểm phiếu.
Cuộc tranh biện Trump-Harris thứ hai
Một trong những sự kiện có khả năng thay đổi cuộc bầu cử nhất có thể là cuộc tranh biện thứ hai giữa ông Trump và bà Harris.
Hai ứng cử viên đã có cuộc tranh biện đầu tiên vào ngày 10/9, nhưng đến nay ông Trump vẫn từ chối tham gia cuộc tranh biện thứ hai. Ông tuyên bố mình đã thắng trong cuộc tranh biện đầu tiên, sau đó lại nói rằng cuộc tranh biện thứ hai đã quá muộn vì việc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu.
Bà Harris đã thúc giục ông Trump tranh biện lại vào tháng 10 và đã nhận lời mời tranh biện của CNN vào ngày 23/10.
Mặc dù hiện ông Trump đã từ chối tham gia cuộc tranh biện thứ hai, nhưng các nhà quan sát chính trị tin rằng ông có thể thay đổi quyết định nếu số phiếu bầu của ông cần được cải thiện, hoặc chiều hướng dư luận cần thay đổi.
Một cuộc chiến tranh lớn hơn nổ ra
Tình hình quốc tế, đặc biệt là căng thẳng ở Trung Đông, có thể tác động không nhỏ tới cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Xung đột giữa Israel và Hamas sắp tròn một năm. Mới đây, Israel đã loại bỏ nhiều thủ lĩnh của Hezbollah trong một tuần tấn công, đồng thời giết chết hàng trăm dân thường và khiến gần 1 triệu người Liban (Li-băng) phải di dời. Israel hôm 1/10 đã đổ bộ giới hạn vào miền nam Liban, trong khi Iran cũng đã thực hiện trả đũa bằng việc bắn hàng trăm tên lửa vào nhà nước Do Thái hôm 2/10. Mặc dù Iran đã tuyên bố sẽ không tiếp tục tấn công Israel trừ khi có thêm khiêu khích, nhưng chính quyền của Thủ tướng Netaneyhu khẳng định Tehran “đã mắc sai lầm nghiêm trọng” và sẽ phải “gánh chịu hậu quả“.
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông là rất hiện hữu. Một cuộc chiến như vậy có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ. Israel đã giết hại hàng chục nghìn thường dân Palestine ở Gaza trong cuộc chiến với Hamas. Trong năm qua, Đảng Dân chủ đã bị chia rẽ sâu sắc trước sự hỗ trợ của chính quyền Biden dành cho Israel.
Ông Trump có thể sử dụng điều này để tấn công chính sách đối ngoại của chính quyền hiện tại, và cho rằng thế giới kém an toàn hơn so với thời ông còn đương chức. Mặt khác, bà Harris cũng có thể nhấn mạnh rằng Trump không đáng tin cậy, và cáo buộc ông thân cận với những kẻ độc tài.
Cao Vân / Vision Times