IMF đưa ra báo cáo nghiêm trọng chính phủ Biden về chi tiêu thâm hụt vượt kiểm soát

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

.

Tom Ozimek/Thứ bảy, 27/4/2024

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (International Monetary Fund) đã gióng lên hồi chuông báo động về mức chi tiêu thâm hụt cao của chính phủ Tổng thống Biden, cảnh báo rằng vị thế tài khóa và nợ công ngày càng trướng to của chính phủ có nguy cơ gây ra lạm phát và thậm chí có thể gây ra những hỗn loạn về tài chính.

“Không tương thích với sự bền vững tài khóa trong dài hạn, vị thế tài khóa như thế này là đặc biệt đáng lo ngại,” các nhà kinh tế của IMF viết trong một bài đăng trên blog gần đây, kèm theo với việc phát hành phiên bản mới nhất của Báo cáo Giám sát Tài khóa và Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của nhóm, cả hai báo cáo đều cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng đối với tài chính công trong một năm bầu cử mà phần lớn các diễn ngôn chính trị đều lớn tiếng ủng hộ việc mở rộng tài khóa.

Theo một báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), vào năm ngoái (2023) thâm hụt chi tiêu ở Hoa Kỳ đã đạt 1.7 ngàn tỷ USD, tương đương với 6.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). CBO cảnh báo rằng chi tiêu thâm hụt sẽ bổ sung thêm vào khối nợ công đang tăng, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và làm cho các khoản thanh toán lãi vay của Hoa Kỳ cho các chủ nợ ngoại quốc tăng lên.

Theo ước tính của CBO, trong 30 năm tới, thâm hụt chi tiêu của Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng lên 8.5% GDP vào năm 2054. Cơ quan này cũng dự đoán rằng tổng tỷ lệ nợ công trên GDP, vốn ở vào khoảng 35% GDP vào những năm 1980, sẽ tăng vọt lên 166% vào năm 2054, gây ra “rủi ro đáng kể” đối với triển vọng tài khóa và kinh tế của Hoa Kỳ.

Trước đó trong tháng Tư, dữ liệu được Bộ Ngân khố công bố cho thấy thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đã lên tới 1 ngàn tỷ USD trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2024, đưa chính phủ liên bang tiến tới mức thâm hụt ngân sách hơn ngàn tỷ USD lần thứ năm liên tiếp.

Đảng Cộng Hòa đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối việc chi tiêu thâm hụt cao, trong khi Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích nỗ lực thúc đẩy cắt giảm ngân sách của Đảng Cộng Hòa, cố gắng đổ lỗi nguyên nhân khiến nợ công tăng lên hơn 34 ngàn tỷ USD cho các khoản cắt giảm thuế thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Với báo cáo mới nhất của mình, IMF đang đứng về phía những tiếng nói hạn chế tài khóa.

‘Tình hình này sẽ không thể duy trì lâu dài’

IMF đã lưu ý đến khoản nợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ và bày tỏ sự lo ngại của họ, cảnh báo rằng mức chi tiêu của chính phủ Tổng thống Biden là không bền vững và có thể đẩy nền kinh tế đến điểm tới hạn về sức chịu đựng.

“Nợ công làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm phát, cũng như rủi ro ổn định tài khóa và tài chính dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu,” các nhà kinh tế của IMF viết trong bài đăng của họ. “Tình hình này sẽ không thể duy trì lâu dài.”

Lời cảnh báo này xuất hiện trong một năm bầu cử, khi chính sách tài khóa có xu hướng nới lỏng hơn và độ trượt giá tài khóa lớn hơn. Hiện tại, chính sách tài khóa nới lỏng và mức nợ gia tăng đã góp phần làm tăng lợi suất công khố phiếu dài hạn của Hoa Kỳ, cũng như làm tăng sự biến động của thị trường.

IMF cảnh báo rằng chính phủ Tổng thống Biden có thể muốn mở rộng hỗ trợ tài khóa hơn nữa, đặc biệt là trong tình huống sự gián đoạn về nguồn cung và giá cả tăng đột biến lại tái diễn. Tuy nhiên, IMF cảnh báo không nên thuận theo hoàn cảnh và khuyến nghị nên kiềm chế.

Nhóm này viết trong lời nói đầu của báo cáo Giám sát Tài khóa mới nhất của họ, “Cần có sự củng cố tài khóa bền vững và đáng tin cậy để thiết lập lại nền tài chính công lành mạnh, xây dựng không gian ngân sách cho các khoản đầu tư ưu tiên, và đối phó với những sự kiện đột xuất trong tương lai.”

“Việc giải quyết nợ và thâm hụt ngày hôm nay giúp tránh những điều chỉnh đau đớn hơn sau này,” các tác giả của báo cáo tiếp tục, đồng thời cho biết thêm rằng “thắt chặt tài khóa cũng sẽ là một đóng góp quan trọng để hoàn thành chặng đường cuối cùng của quá trình giảm lạm phát,” đặc biệt là ở các nền kinh tế có đặc điểm nhu cầu vượt mức như Hoa Kỳ, nền kinh tế mà IMF mô tả là “quá nóng.”

Chi tiêu không ngừng có thể kích hoạt tăng thuế ‘mạnh mẽ’

Báo cáo và bài đăng trên blog của IMF nhìn chung trùng khớp với lời cảnh báo mà Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) đưa ra cách đây vài tháng, trong đó lưu ý rằng lộ trình tài khóa dài hạn của chính phủ liên bang là “không bền vững” và đặt ra những thách thức “nghiêm trọng” đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia, cũng như sự gắn kết xã hội ở phạm vi rộng hơn.

GAO viết trong một ghi chú hồi giữa tháng Hai, “Chúng tôi đã xem xét sổ sách kế toán của chính phủ và tiếp tục tìm ra những điểm yếu làm suy yếu độ tin cậy của dữ liệu.”

Cơ quan này đã cảnh báo rằng nợ gia tăng làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài khóa, đồng thời lưu ý rằng nếu các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng quản lý tài khóa của Hoa Kỳ, thì tình huống này có thể bắt buộc phải tăng thuế “mạnh mẽ” và cắt giảm các khoản chi tiêu quan trọng.

Ông Gene L. Dodaro, Tổng Kiểm soát viên Hoa Kỳ và là người đứng đầu GAO, cho biết trong một tuyên bố: “Quốc hội và chính phủ phải hành động để đưa quốc gia rời khỏi đường lối tài khóa dài hạn vốn không thể trụ vững được hiện nay.”

“Mức nợ liên bang đang tăng với tốc độ đe dọa đến sức sống của nền kinh tế quốc gia chúng ta cũng như sự an toàn và hạnh phúc của người dân Mỹ.”

Những cảnh báo tương tự khác đã được đưa ra bởi các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, trong đó Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon. Ông Dimon gần đây đã cảnh báo rằng tác động của các lực lượng kinh tế và địa chính trị lớn — từ mức nợ cao và chính sách kích thích tài khóa, đến các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông — có thể mang lại những bất ngờ khó chịu cho thị trường.

Ông nói rằng những rủi ro mà người Mỹ phải đối mặt ngày nay có thể là tệ hại nhất kể từ thời Đệ nhị Thế chiến, đồng thời cảnh báo tỷ lệ lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn cùng với những rủi ro làm suy giảm khác có thể làm tiêu tan kỳ vọng của thị trường về một “cuộc hạ cánh mềm” của nền kinh tế.

“Dường như có rất nhiều áp lực lạm phát dai dẳng, tình trạng có thể sẽ tiếp tục diễn ra,” ông Dimon viết trong bức thư thường niên gửi các cổ đông, trong đó ông nói rằng các nhà đầu tư có thể bỏ qua rủi ro khi họ điều hướng trong thế giới phức tạp và nguy hiểm ngày nay.

“Chúng ta có thể đang bước vào một trong những kỷ nguyên địa chính trị nguy hiểm nhất kể từ thời Đệ nhị Thế chiến” ông Dimon viết, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư dự liệu cho một phạm vi lãi suất rất rộng, từ 2% đến cao tới 8% hoặc thậm chí cao hơn.

Vân Du biên dịch

Xem thêm:

Báo cáo của Hạ viện: Biện lý Manhattan bị cáo buộc có động cơ chính trị trong vụ truy tố cựu TT Trump ở New York

Những điểm rút ra từ kháng cáo của cựu TT Trump về quyền miễn trừ lên Tối cao Pháp viện

Ông Biden nói sẵn sàng tranh luận với ông Trump nhưng chưa đưa ra mốc thời gian

Nga cảnh cáo sẽ đáp trả nếu Mỹ tịch thu tài sản bị phong tỏa

Giới quan sát: Chủ tịch Quốc Hội CSVN Vương Đình Huệ từ chức cho thấy dấu hiệu khủng hoảng chính trị thượng tầng

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *