Không phải là các tập đoàn hay giá dầu, mà là chi tiêu của các chính phủ đang gây ra lạm phát

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

.
Daniel Lacalle/Thứ năm, 25/4/2024

Các chính phủ có thể ngăn chặn lạm phát ngày nay. Nhưng những điều trình bày tiếp sau đây là những lý do tại sao họ sẽ không làm như vậy.

Lạm phát không phải là một tình huống trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là một chính sách. Các chính phủ cùng với những người được gọi là chuyên gia của họ đang cố gắng thuyết phục quý vị rằng lạm phát bắt nguồn từ bất cứ điều gì khác ngoài sự gia tăng nhất quán, mặc dù chậm hơn, trong mức giá cả chung từ năm này qua năm khác. Việc phát hành nhiều tiền hơn nhu cầu của khu vực tư nhân sẽ làm xói mòn sức mua của khu vực này đồng thời tạo ra dòng chuyển giao tài sản liên tục hàng năm từ tiền lương thực tế và tiền gửi tiết kiệm sang cho chính phủ.

Giá dầu không phải là một nguyên nhân, mà là một hậu quả của lạm phát. Giá tăng khi phải dùng đến nhiều đơn vị tiền tệ hơn để thể hiện mức giá của mặt hàng là tài sản tương đối khan hiếm này. Vì vậy, giá dầu không gây ra lạm phát, mà thay vì thế là một trong những tín hiệu cho thấy sự mất giá của tiền tệ. Hơn nữa, nếu giá dầu gây ra lạm phát, thì chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển từ lạm phát sang giảm phát (tức giá cả giảm), chứ không phải từ lạm phát tăng cao sang các mức tăng giá tương đối thấp hơn (tức lạm phát giảm tốc).

Lập luận tương tự cũng áp dụng cho tất cả các nguyên nhân khác mà các chính phủ và các cơ quan của họ cố gắng bao biện như một biện pháp chống chế cho lạm phát. Hầu hết những cái cớ kiếm ra ấy chỉ là biểu hiện, chứ không phải nguyên nhân gây ra lạm phát. Ngay cả khi có ba tập đoàn độc quyền ngu ngốc xấu xa nào đó thống lĩnh được nền kinh tế toàn cầu, thì họ cũng sẽ không tài nào làm tăng được mức giá chung và duy trì được mức tăng hàng năm như vậy nếu số đơn vị tiền tệ lưu hành trong hệ thống không thay đổi. Tại sao? Bởi vì có hai điều có thể xảy ra. Đầu tiên, ba tập đoàn độc quyền xấu xa đó sẽ thấy vốn lưu động của họ tăng vọt vì người dân sẽ không có đủ số đơn vị tiền tệ để chi trả cho tất cả những gì họ sản xuất. Thứ hai, các mức giá còn lại sẽ giảm vì số lượng đơn vị tiền tệ còn lại để mua các loại hàng hóa và dịch vụ khác sẽ ít hơn đáng kể.

Ngay cả một nhóm các tập đoàn gần như độc quyền cũng không thể khiến tất cả các mức giá tăng đồng loạt và củng cố mức tăng hàng năm, rồi để cho cứ tiếp tục tăng mãi như vậy. Tuy nhiên, cơ quan phát hành tiền tệ độc quyền, là chính phủ, lại có thể làm cho mọi mức giá tăng lên đồng thời làm giảm sức mua của các đơn vị nợ chính phủ mà họ phát hành.

Thật đáng ngạc nhiên khi thấy một số người được gọi là chuyên gia này nói rằng một số tập đoàn lớn làm cho mọi mức giá tăng lên, nhưng lại phủ nhận rằng chính nhà nước tạo ra tiền một cách độc quyền kia mới là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Nguyên nhân thực sự duy nhất của lạm phát là chi tiêu của chính phủ. Trong khi các ngân hàng có thể tạo cung tiền — tín dụng — thông qua việc cho vay, họ vẫn dựa vào các dự án và khoản đầu tư để bảo đảm cho các khoản vay này. Các ngân hàng không thể tạo ra tiền để cứu trợ chính họ, để mà không có tổ chức tài chính nào bị phá sản. Trên thực tế, sự mất cân bằng tài sản lớn nhất của các ngân hàng đến từ việc cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí rủi ro và việc xem các khoản trái phiếu và khoản cho vay đối với chính phủ — hai điều vốn được áp đặt bởi quy định, pháp luật, và kế hoạch của ngân hàng trung ương — như là những khoản đầu tư “không rủi ro.” Trong khi đó, nhà nước phát hành nhiều tiền hơn để che giấu tình trạng mất cân bằng tài khóa và để tự cứu trợ bản thân, bằng cách sử dụng các quy định, pháp luật, và biện pháp cưỡng ép để áp đặt việc sử dụng hình thức tiền tệ do chính họ phát hành.

Các tập đoàn độc quyền không thể tạo ra lạm phát trừ phi họ có thể buộc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ mà không làm giảm nhu cầu. Chúng ta cũng phải hiểu rằng sự độc quyền mang tính hủy diệt và kém hiệu quả chỉ có thể tồn tại nếu nhà nước áp đặt điều này. Trong bất kỳ tình huống nào khác, tình trạng độc quyền sẽ biến mất do cạnh tranh, công nghệ, và hàng nhập cảng rẻ hơn từ các quốc gia khác. Vậy đâu là bên độc quyền duy nhất có thể buộc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ bất kể nhu cầu thực đối với sản phẩm đó ra sao? Là chính phủ với đồng tiền pháp định của họ.

Nếu như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) và Tổng thống Joe Biden nói đúng và các tập đoàn thực sự là nguyên nhân gây ra lạm phát, cạnh tranh, hàng nhập cảng rẻ hơn, và sự sụt giảm trong nhu cầu, thì họ đã phải có hành động để khắc phục các mức giá phi lý của các tập đoàn này. Chỉ có chính phủ mới có thể gây ra và duy trì lạm phát lâu dài, thông qua việc sử dụng ngân hàng trung ương làm cánh tay tài chính của họ, và có những quy định kiểu như áp đặt giấy nhận nợ (đồng tiền) của Nhà nước là “tài sản có rủi ro thấp nhất” trong số các tài sản của các ngân hàng. Chính phủ tạo ra loại tiền tệ của mình và áp đặt việc sử dụng loại tiền đó; và khi sức mua của tiền đó suy giảm, thì chính phủ đổ lỗi cho các tác nhân kinh tế vốn bị buộc phải sử dụng hình thức tiền tệ này của họ.

Chính phủ là tác nhân kinh tế lớn nhất, và do đó, là động lực quan trọng nhất của tổng cầu, mà đồng thời lại là nhà phát hành tiền tệ. Chính phủ có thể chấm dứt lạm phát bất cứ lúc nào bằng cách loại bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết gây ra thâm hụt, hành động mà cũng bằng như việc in tiền. Đánh thuế khu vực tư nhân để giảm lạm phát cũng giống như bỏ đói đứa con để giúp cha mẹ béo phì giảm cân.

Những người bảo vệ lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) và những người theo trường phái kinh tế học Keynes mới nói rằng chính phủ có thể phát hành tất cả số tiền mà họ cần và rằng giới hạn của việc phát hành tiền này không phải là tài khóa (thâm hụt và nợ) mà là lạm phát. Lập luận này thật vô nghĩa, vì lạm phát là biểu hiện của vấn đề tài khóa không bền vững, thể hiện ở việc niềm tin vào tổ chức phát hành tiền tệ suy giảm. Theo đúng nghĩa trên mặt chữ, kiểu lập luận này giống như một đại tập đoàn phát hành nợ không ngừng nghỉ mà lại nghĩ rằng làm như vậy chẳng có gì là to tát. Việc phát hành nợ là một vỏ bọc để tiến hành liên tục gia tăng quy mô của chính phủ trong nền kinh tế, với hiểu biết rằng một khi chính phủ kiểm soát được phần lớn nền kinh tế, thì nhà nước sẽ trở nên hầu như không thể ngăn cản được.

Kinh tế gia Stephanie Kelton, một trong những người ủng hộ hàng đầu của lý thuyết MMT, cùng những người khác cho rằng chính phủ nên chi tiêu bao nhiêu tùy ý, và nếu lạm phát tăng, thì chỉ cần đánh thuế lượng tiền tệ dư ra là được. Quan điểm này thật nực cười. Vậy là, trên đường vào thì chính phủ tăng quy mô, chi tiêu và làm suy giảm sức mua đối với thu nhập và tiết kiệm của khu vực tư nhân, rồi sau đó đánh thuế khu vực tư nhân và do đó làm tăng quy mô của chính phủ trên đường ra. Hơn nữa, lại không một chính phủ nào nhận ra rằng lạm phát xuất phát từ việc chi tiêu quá nhiều, vậy nên, sự tàn phá đối với khu vực tư nhân vẫn tiếp tục và niềm tin vào đồng tiền ngày một giảm sút, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh.

Các chính phủ không thể đánh thuế để loại bỏ lạm phát mà họ đã tạo ra do chi tiêu quá mức. Họ chỉ có thể làm suy yếu khu vực sản xuất tư nhân hơn nữa và khiến tình hình kinh tế cũng như triển vọng lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Không có cái gọi là quyền tự chủ lâu dài trong chính sách tiền tệ. Giống như bất kỳ hình thức nợ nào, nhu cầu về đồng tiền sẽ đó biến mất cùng với khả năng thanh toán của chính phủ và sự suy yếu kinh tế của một khu vực tư nhân đã bị thuế làm cho háo mòn. Một khi chính phủ phá hủy niềm tin vào đồng tiền như một phương tiện dự trữ giá trị, thì khu vực tư nhân sẽ tìm ra cách khác để thực hiện các giao dịch bên ngoài đồng tiền áp đặt của nhà nước.

Khi các chính phủ tự cho mình là giải pháp cho lạm phát thông qua các chương trình chi tiêu và trợ cấp lớn, thì họ lại đang in tiền, giống như dùng xăng dập lửa.

Tổng thống Biden nói rằng chính phủ có kế hoạch để cắt giảm lạm phát, nhưng tất cả những gì chính phủ đương nhiệm đã làm là kéo dài lạm phát, khiến người dân nghèo hơn và khu vực sản xuất yếu đi.

Nếu tổng thống thực sự muốn cắt giảm lạm phát, thì tất cả những gì ông ấy và Quốc hội cần làm chỉ là loại bỏ thâm hụt bằng cách cắt giảm chi tiêu. Lý do tại sao các chính phủ không bao giờ nên giám sát chính sách tiền tệ và được phép tiền tệ hóa mọi khoản thâm hụt là vì không có chính phủ nào muốn cắt giảm quy mô để bảo vệ tiền lương của công dân, bởi vì quốc hữu hóa tài sản thông qua lạm phát và thuế chính là mục tiêu của chủ nghĩa can thiệp: tạo ra một nền kinh tế con tin phụ thuộc vào chính phủ.

Nhật Thăng biên dịch

Xem thêm:

Tổng thống Biden ký luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba: Viện trợ của Mỹ sẽ không đủ để chặn quân Nga

Mỹ đã bí mật chuyển cho Ukraine tên lửa ATACMS từ tháng Ba

Phân tích: Israel tấn công Iran bằng tên lửa đạn đạo Blue Sparrow

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *