Home / Home page Achives/ Tin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ / Sự kiện / Đời Sống Mỹ/ Tin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạ/ Lưu Trữ / TẾT 2024 /
Nghị trình khí hậu phát thải ròng bằng không (net zero) đang thúc đẩy áp đặt các quy định và chi phí lên nông dân, khiến các mặt hàng thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn đối với người Mỹ.
.
Kevin Stocklin/Thứ tư, 21/02/2024
Trong bối cảnh lạm phát vẫn cao, nông dân trên khắp thế giới phương Tây đang cảnh báo rằng chi phí tăng lên do phong trào phát thải ròng bằng không (net zero) sẽ khiến giá thực phẩm trở nên cao hơn nữa, đồng thời khiến nhiều nông dân kinh doanh nhỏ lẻ hơn mất việc làm.
Số liệu lạm phát trong tháng 01/2024 cho thấy giá cả đã tăng 3.1% so với một năm trước, như vậy là cuộc chiến chống lạm phát, cho dù đang tiến triển, vẫn chưa giành được thắng lợi.
Nhìn chung, giá đã tăng gần 18% kể từ tháng 01/2021, thời điểm mà Tổng thống Joe Biden mới nhậm chức.
Người Mỹ đang gặp khó khăn trong một nền kinh tế mà theo số liệu thống kê chính thức thì giá trị đồng tiền của họ đã “bốc hơi” đi mất gần ⅕ trong ba năm — mặc dù nhiều người sẽ nói rằng giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác đã trở nên đắt hơn những gì số liệu chính thức nêu lên.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cơ quan chuyên theo dõi giá thực phẩm, đưa ra đánh giá lạc quan về năm tới. USDA tuyên bố, sau khi giá thực phẩm tăng 9.9% vào năm 2022, “giá đã tăng chậm hơn vào năm 2023,” chỉ tăng 5.8%.
USDA dự đoán: “Giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc vào năm 2024.”
Trong khi một số người dự đoán rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi, các nhà phân tích của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết có một đợt lạm phát giá khác sắp diễn ra, xuất phát từ nỗ lực “toàn chính phủ” của chính phủ Tổng thống Biden nhằm giảm nhiệt độ toàn cầu.
Một báo cáo gần đây của Viện Buckeye cố gắng tính toán chi phí đối với nông dân của các chính sách kinh tế Biden (Bidenomics).
Báo cáo có nhan đề “Các Chính Sách Kiểm Soát Khí Hậu Phát Thải Ròng Bằng Không Sẽ Khiến Trang Trại Phá Sản” (Net-Zero Climate-Control Policies Will Fail the Farm), dự đoán rằng nông dân sẽ chứng kiến chi phí tăng ít nhất 34%, làm tăng hóa đơn hàng bách hóa gia đình cho một gia đình bốn người ở Mỹ lên hơn 1,300 USD mỗi năm.
Báo cáo cho biết: “Tuân thủ các chính sách phát thải ròng bằng không và các yêu cầu báo cáo ESG đối với doanh nghiệp sẽ làm tăng giá đầu vào cho trang trại, những chi phí mà rốt cuộc sẽ được chuyển cho người tiêu dùng tại các cửa hàng bách hóa và nhà hàng.”
Ông Rea Hederman, giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu kinh tế của Viện Buckeye, nói với The Epoch Times: “Đây là mục tiêu cánh tả đang hướng tới, cố gắng đạt được phát thải ròng bằng không.” Những thứ chi phí áp đặt lên người nông dân này sẽ thêm lên vào khoản tăng giá do lạm phát, thời tiết, hoặc các yếu tố khác thường ảnh hưởng đến giá lương thực.
“Thực tế là chính phủ liên bang đã in quá nhiều tiền rồi, mà sự áp đặt mục tiêu này còn xảy ra thêm sau cả việc đó nữa,” ông Hederman nói. “Và đó là sự gia tăng liên tục, chứ không phải là sự biến động tạm thời của giá thực phẩm, bởi vì quý vị đang tạo dựng ra chi phí hoạt động cơ bản cao hơn mà sẽ là vĩnh viễn đối với nông dân trong tương lai.”
Báo cáo đã phân tích một trang trại trung bình ở Hoa Kỳ có diện tích khoảng 700 mẫu Anh, sản xuất ngô. Sau đó, báo cáo đã tổng hợp các chi phí để tuân thủ các yêu cầu về phát thải ròng bằng không, cũng như việc tăng giá nhiên liệu, phân bón, và các vật tư khác từ các sáng kiến về phát thải ròng bằng không khác nhau đang được áp dụng hoặc dự kiến sẽ có hiệu lực.
Báo cáo này dự đoán rằng chi phí cơ bản của trang trại này sẽ tăng từ 192,000 USD lên 257,000 USD. Khi chi phí nhỏ giọt dần xuống người tiêu dùng, thì hóa đơn hàng bách hóa cho một gia đình bốn người sẽ tăng từ 8,320 USD lên 9,650 USD — tăng 15%.
“Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng khi quý vị tăng chi phí cho nông dân, thì chi phí tăng thêm đó sẽ được chuyển sang người tiêu dùng thực phẩm, và một số loại thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn,” ông Hederman nói. “Ví dụ, thịt bò sẽ tăng giá nhiều hơn cam vì nếu quý vị tăng giá ngô thì đó là đầu vào của thịt bò, vì vậy thịt bò sẽ bị thiệt hại gấp đôi.”
Theo thống kê của Hệ thống Dự trữ Liên bang, giá trung bình của thịt bò xay đã tăng từ 3.97 USD/pound hồi tháng 01/2021 lên 5.03 USD/pound vào tháng 01/2024.
Các chủ trang trại chăn nuôi gia súc đang gặp khó khăn không chỉ vì chi phí thức ăn và nhiên liệu cao hơn mà còn vì hạn hán xảy ra ở nhiều nơi của Hoa Kỳ, khiến quy mô đàn gia súc bị giảm.
Theo ước tính của Cục Bảo vệ Môi trường (EPA), nông nghiệp đã chiếm 10.6% lượng phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ vào năm 2021, với phần lớn lượng khí thải đó đến từ chăn nuôi và phân bón.
.
Thịt bò là một món hàng xa xỉ
Các nhà hoạt động vì khí hậu thường phản đối việc chăn nuôi động vật vì lý do này, và trong danh mục đó, thịt bò là mục tiêu số một. Các nghiên cứu cho thấy, trong số tất cả các loại vật nuôi, thịt bò tạo ra nhiều khí thải nhà kính nhất và chiếm khoảng 60% tổng lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp.
Ông Jais Valeur, Giám đốc điều hành của Danish Crown, nhà chế biến thịt hàng đầu châu Âu, nói với tờ Berlingske của Đan Mạch hồi năm 2021 rằng thịt bò sẽ sớm trở thành một mặt hàng xa xỉ vì lượng khí thải từ quá trình sản xuất.
.
“Nó sẽ hơi giống rượu sâm panh một chút, là một sản phẩm xa xỉ,” ông Valeur nói. “Bò thịt sẽ là một sản phẩm xa xỉ mà chúng ta ăn khi cần chiều chuộng bản thân.”
Nhiều nông dân đã lập luận rằng, trong khi các trang trại kinh doanh lớn hơn có thể vượt qua áp lực về giá cao hơn, thì chính sách phát thải ròng bằng không sẽ đặc biệt có hại cho các trang trại nhỏ hơn, dẫn tới việc sản xuất thực phẩm bị tập trung vào tay một lượng nhà sản xuất ngày càng nhỏ đi.
“Mọi người đều cần thực phẩm để tồn tại, vì vậy các trang trại có thể chuyển giao phần lớn chi phí đó,” ông Hederman nói. “Nhưng chúng tôi tin rằng các trang trại gia đình, những trang trại nhỏ hơn, rất nhiều trong số họ sẽ bán hết hoặc phá sản vì không có nhiều khả năng tiếp cận vốn.”
Nông nghiệp, với việc sử dụng các thiết bị nặng để trồng trọt, thu hoạch, và vận chuyển, là một ngành kinh doanh cần nhiều vốn. Ngành này cũng đòi hỏi một lượng vốn lưu động lớn để tài trợ cho giai đoạn trồng trọt hoặc chăn nuôi, và khi sản phẩm hoặc vật nuôi có thể được bán ra thị trường.
Những vấn đề này làm dấy lên lo ngại rằng do phong trào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), thứ đã lan rộng ở nhiều tổ chức tài chính Wall Street, các ngân hàng sẽ bắt đầu gây tổn hại cho các trang trại không tuân thủ các tiêu chí ESG, trong đó bao gồm cả việc giảm lượng khí thải.
Hôm 29/01, các quan chức nông nghiệp từ 12 tiểu bang của Hoa Kỳ đã gửi thư tới các ngân hàng, bao gồm JPMorgan Chase, Citibank, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, và Morgan Stanley, kêu gọi họ không áp đặt tiêu chí phát thải ròng bằng không đối với nông dân.
Các ngân hàng đều là thành viên của Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng không (NZBA) của Liên Hiệp Quốc, vốn yêu cầu các thành viên cam kết đạt được các mục tiêu về phát thải ròng bằng không của Liên Hiệp Quốc trong danh mục cho vay của họ.
Mặc dù những cam kết này đã được xác nhận trên các trang web của ngân hàng, nhưng một phát ngôn viên của JPMorgan nói với The Epoch Times rằng “JPMorgan Chase không có mục tiêu giảm cường độ phát thải nông nghiệp” và rằng “chúng tôi tự đưa ra các quyết định về nghiệp vụ ngân hàng, cho vay, và bảo lãnh và không từ bỏ quyền ra quyết định cho bên thứ ba.”
Hiệp định Paris của Liên Hiệp Quốc đặt ra các điều khoản
Năm 2016, chính phủ ông Obama đã ký đưa Hoa Kỳ gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris của Liên Hiệp Quốc.
Thỏa thuận này cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ cắt giảm 50-52% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không trên toàn nền kinh tế vào năm 2050.
Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này.
.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông đã tái cam kết Hoa Kỳ với Hiệp định Paris.
Theo báo cáo của Viện Buckeye, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc tăng giá hiện nay là chi phí phân bón tăng, trong đó có nhiều loại là dẫn xuất của khí đốt tự nhiên, cùng chi phí dầu diesel và propan tăng.
Báo cáo nêu rõ: “Sau khi khuyến nghị Hoa Kỳ gia nhập nghị trình kiểm soát khí hậu phát thải ròng bằng không, tổng thống và Quốc hội đã khôi phục những đặc điểm sai lầm đáng kể của ‘Thỏa thuận Mới Xanh’ từng thất bại thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát.”
Sự khôi phục này bao gồm việc sử dụng các sắc lệnh để hạn chế nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên, ngăn chặn các hợp đồng thuê khoan trên đất liên bang, hủy bỏ các dự án đường ống, ngăn chặn xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), và ban hành lệnh của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán để yêu cầu báo cáo kiểm toán về phát thải khí nhà kính áp dụng cho nông dân.
Báo cáo nêu rõ: “Những sáng kiến và yêu cầu liên bang này sẽ gây tốn kém và tàn phá nền kinh tế ở đây — giống như đã từng xảy ra ở Âu châu.”
‘Vết xe đổ’
Châu Âu dẫn trước Hoa Kỳ trong việc ban hành các điều khoản về phát thải ròng bằng không, và kết quả là nông dân ở đó đã bị vắt kiệt bởi chi phí tăng cao. Các cuộc biểu tình của nông dân đã nổ ra trên khắp châu Âu trong năm qua, gần đây nhất là ở Vương quốc Anh và Pháp, nhằm đáp lại nỗ lực của chính phủ để cắt giảm việc sử dụng phân bón tổng hợp và lượng khí thải CO2 trong nông nghiệp, với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Trước sự bất mãn rộng khắp của người dân, các quan chức chính phủ ở châu Âu đã bắt đầu rút lại cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và 90% vào năm 2040.
.
Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, chỉ ra rằng họ hiện sẽ xem xét miễn cho nông dân nhiều nghĩa vụ về khí hậu.
“Quý vị có thể xem châu Âu như một vết xe đổ để mà tránh,” ông Hederman nói. “Chúng ta đang chứng kiến điều gì sẽ xảy ra khi chi phí phân bón tăng lên, điều hiện đang diễn ra trên khắp châu Âu.”
Ông nói: “Các chính phủ ở châu Âu hiện đang bắt đầu suy nghĩ lại về bản chất hà khắc của các quy định mà họ đang thực hiện, bởi vì họ nhận ra rằng điều này sẽ không bền vững và vì nông dân đang rất tức giận.”
Khi nông dân đấu tranh, một số nhà hoạt động khí hậu nhìn thấy giải pháp trong các lựa chọn thực phẩm thay thế, chẳng hạn như thực phẩm làm từ côn trùng và nấm.
Nông dân tụ tập bên ngoài Nghị viện Âu Châu để biểu tình, ở Strasbourg, Pháp, hôm 06/02/2024. (Ảnh: Jean-Francois Badias/AP Photo)
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với MIT Technology Review, người sáng lập Microsoft Bill Gates đã thảo luận về những phát triển trong sản xuất trong phòng thí nghiệm và những cải tiến khoa học đối với chăn nuôi. Ông Gates là nhà đầu tư vào các công ty sản xuất thực phẩm tổng hợp, bao gồm Beyond Meat, Impossible Foods, và Upside Foods.
“Tôi không nghĩ 80 quốc gia nghèo nhất sẽ ăn thịt tổng hợp [nhưng] tôi nghĩ tất cả các nước giàu nên chuyển sang sử dụng 100% thịt bò tổng hợp,” ông nói. “Quý vị có thể quen với sự khác biệt về hương vị và khẳng định rằng họ sẽ làm cho hương vị thậm chí còn ngon hơn theo thời gian.”
Nhật Thăng biên dịch