Tầm nhìn xã hội chủ nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ TẾT 2024 /

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong môt phiên họp toàn thể tại Tòa nhà Quốc hội tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ở Davos, Thụy Sĩ, hôm 16/01/2024. (Ảnh: Laurent Gillieron/Pool/AFP qua Getty Images)

Antonio Graceffo/Thứ hai, 29/01/2024

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và các đại gia kinh doanh để xây dựng một tương lai xã hội chủ nghĩa đen tối cho phần còn lại của chúng ta.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức cuộc họp thường niên từ ngày 15 đến ngày 19/01 tại Davos, Thụy Sĩ, với chủ đề “Xây dựng lại Niềm tin.” Thuật ngữ “xây dựng lại” này có thể hàm ý rằng đã từng có niềm tin vào WEF. Tuy nhiên, những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đã luôn xem cuộc họp giới tinh hoa toàn cầu này là một hành động hướng tới việc áp đặt trật tự xã hội toàn cầu của họ.

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của tổ chức này, nói với Tạp chí Time hôm 11/01: “Tôi sẽ phân biệt giữa ‘tinh hoa’ và ‘những người ra quyết định.’ Chúng tôi không coi mình là một tổ chức của giới tinh hoa; chúng tôi tự coi mình là một tổ chức tập hợp những người ra quyết định trong chính trị, kinh doanh, và xã hội dân sự.”

Bất chấp việc ông Schwab bác bỏ thuật ngữ “tinh hoa”, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những người tham dự WEF nắm giữ quyền ra quyết định đáng kể. Nhiều người trong số họ là nguyên thủ quốc gia hoặc các quan chức chính phủ cao cấp ở các nền dân chủ, dẫn đến mối lo ngại của cử tri về tính hợp pháp của việc đại diện của họ đến dự một cuộc họp của những người theo chủ nghĩa toàn cầu, chỉ dành riêng cho những người được mời. Mối lo ngại này đặt ra câu hỏi về việc tự ý làm việc theo cách họ muốn: các quan chức và công chức được bầu này — vốn được người đóng thuế trả lương — sẽ phải đưa ra những quyết định có thể đi ngược lại mối quan tâm của những người mà họ đại diện.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, đã nói tại diễn đàn về Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo của Liên minh Âu Châu, khẳng định rằng đạo luật này sẽ thiết lập “niềm tin bằng cách xem xét các trường hợp có rủi ro cao như nhận dạng sinh trắc học theo thời gian thực.” Tuy nhiên, việc thúc đẩy nhận dạng sinh trắc học chính xác là một trong những lĩnh vực mà WEF phải đối diện với sự mất lòng tin từ phía những người theo phái bảo tồn truyền thống trên toàn cầu — một tâm lý mà Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cũng có chung quan điểm.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đỡ đầu, đã có bài thuyết trình, nhấn mạnh mức tăng trưởng kinh tế được tuyên bố của Trung Quốc là 5.2% trong năm trước và khuyến khích đầu tư vào quốc gia này. Bài thuyết trình của ông đã bổ trợ cho bài thuyết trình của bà von der Leyen, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro mà không ủng hộ việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều đã ở đó, tìm kiếm sự trợ giúp cho Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cũng tham dự, nói về một “thông điệp hy vọng” và sự hợp tác trong khi không thể đối đầu với Iran, Yemen, Trung Quốc, hay bất kể quốc gia nào đang đe dọa đến Hoa Kỳ. Trong hội nghị với nhan đề “Bảo đảm an ninh cho một Thế giới Không an toàn,” hội thảo chủ yếu tập trung vào việc chỉ trích Israel và kêu gọi ngừng bắn ở Gaza hơn là chất vấn Qatar hoặc Iran về vai trò của họ với tư cách là những nhà nước tài trợ cho khủng bố.

Trớ trêu thay, năm nay, WEF đã mời ông Kevin D. Roberts của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), người đã viết, “Những kẻ tự thú nhận mình là theo chủ nghĩa Marx nổi tiếng giả nhân nghĩa muốn nghe từ Quỹ Di Sản về việc làm thế nào họ có thể ‘xây dựng lại niềm tin’ với những người Mỹ bình thường.” Tiến sĩ Roberts kết luận rằng không có gì bí ẩn về lý do tại sao mọi người không tin tưởng vào giới tinh hoa toàn cầu. Chỉ đơn giản là “vì họ ghét chúng ta” và “dùng quyền lực của họ để tước đi các quyền của chúng ta.”

Tổ chức này ủng hộ nhiều chính sách mang tính phá hoại mà, nếu được thực hiện sẽ biến thế giới thành một cơn ác mộng xã hội chủ nghĩa. WEF coi biến đổi khí hậu là nguy cơ toàn cầu lớn nhất trong 10 năm tới và coi việc không hành động chống lại biến đổi khí hậu như một sự vi phạm nhân quyền. Thuật ngữ “ecocide” (diệt chủng sinh thái) được WEF sử dụng để mô tả về sự tàn phá môi trường, bao gồm các hoạt động như trồng trọt, đánh bắt cá, và kiếm lợi nhuận. Hơn nữa, họ ủng hộ việc xem sự “diệt chủng sinh thái” này là một tội hình sự quốc tế.

Việc cắt giảm nông nghiệp phù hợp với nghị trình về khí hậu của WEF, nhằm mục đích giảm “lượng khí thải từ nông nghiệp.” Đồng thời, WEF cho rằng ăn thịt là “có hại cho môi trường,” nên không rõ họ muốn mọi người ăn gì.

WEF còn ủng hộ hai khái niệm gây tranh cãi: quan hệ đối tác công-tư và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan. Những người phản đối xem những cách tiếp cận này là mối đe dọa tiềm tàng đối với nền dân chủ, quyền tự do cá nhân, và các quyền tự do, xem đây là những bước tiến tới chủ nghĩa xã hội. Quan hệ đối tác công-tư tương tự như những gì đã xảy ra với các quy định chích vaccine bắt buộc trong đại dịch COVID-19. Việc chính phủ liên bang thông qua quy định bắt buộc đeo khẩu trang hoặc chích vaccine trên toàn quốc đã là một thách thức, nhưng các công ty tư nhân có thể áp đặt các hạn chế, trợ giúp cho nghị trình của chính phủ.

Kịch bản này làm dấy lên mối lo ngại về các hành động tiềm ẩn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu hoặc chống lại thông tin sai lệch — những vấn đề được WEF xác định là rủi ro toàn cầu lớn nhất trong hai năm tới. Xu hướng này có thể dẫn đến việc áp đặt các hạn chế về năng lượng xanh đối với chủ nhà hoặc kiểm duyệt trên truyền thông và mạng xã hội, ngay cả khi đa số nghị sĩ trong Quốc hội phản đối việc thông qua một luật như vậy.

Trong Báo cáo Rủi ro hàng năm của mình, WEF đề cập đến vấn đề thông tin sai lệch, nêu rõ: “Ngay cả khi sự lan truyền ngấm ngầm của thông tin sai lệch và tin giả đe dọa sự gắn kết của xã hội, vẫn có nguy cơ một số chính phủ sẽ hành động quá chậm, và phải đối diện với sự đánh đổi giữa ngăn chặn thông tin sai lệch và bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó, các chính phủ đàn áp có thể sử dụng sự kiểm soát nhiều hơn bằng quy định để làm xói mòn nhân quyền.”

Giả định căn bản là WEF tìm kiếm một giải pháp toàn cầu bằng cách xác định sự cân bằng phù hợp giữa các quyền tự do và các quy định hạn chế để chống lại thông tin sai lệch, bất kể từng chính phủ hoặc khu vực bầu cử của họ có quan điểm ra sao về sự thỏa hiệp thích hợp giữa các quyền và các biện pháp bảo vệ.

WEF khen ngợi những nỗ lực kiểm duyệt ngày càng tăng của EU, đồng thời nêu rõ: “Ví dụ, vào mùa xuân này Liên minh Âu Châu đã thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải giám sát chặt chẽ hơn các nền tảng của họ đối với phát ngôn thù hận, thông tin sai lệch, và tài liệu có hại.” Họ đã kêu gọi các quốc gia khác noi theo tấm gương này.

Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan cho rằng chủ sở hữu của một công ty không được tự do ra quyết định mà không tìm kiếm sự góp ý ​​từ chính phủ, cộng đồng, và những người cảm thấy hành động của công ty tác động đến họ. Hơn nữa, chủ nghĩa này còn khẳng định rằng “lợi nhuận quá mức” góp phần tạo ra sự bất bình đẳng. WEF được cho là sẽ xác định ngưỡng lợi nhuận vượt mức rồi sau đó quyết định phân phối như thế nào là công bằng hơn thay vì trả cổ tức cho các cổ đông.

Chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan sẽ là hồi chuông báo tử cho các doanh nhân, vì chủ sở hữu sẽ không còn khả năng lập kế hoạch và đưa ra quyết định cho công ty của chính họ nữa. Vì tiền đề căn bản trong lý thuyết kinh doanh của WEF là các công ty không nên tập trung vào việc kiếm lợi nhuận nên kết quả của các quyết định của các bên liên quan sẽ đẩy công ty đó vào tình trạng nợ nần.

Nếu WEF đạt được mục tiêu của mình, thì chúng ta có thể tìm thấy mình trong một thế giới ID sinh trắc học, đối diện với khả năng bị truy tố vì vi phạm các hạn chế do WEF áp đặt đối với nông nghiệp. Các công ty sẽ thực thi các nghị trình của chính phủ, qua mặt Quốc hội. Ngoài ra, WEF sẽ quy định chúng ta nên có bao nhiêu quyền tự do báo chí và các doanh nhân nên kiếm được bao nhiêu lợi nhuận.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Vân Du biên dịch