Các trường đại học tại Hoa Kỳ đã mất đi danh tiếng như thế nào?

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Thế Giới Hôm Nay/ Portland có gì lạ

Sinh viên tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và đòi tự do ngôn luận bên ngoài khuôn viên Đại học Columbia hôm 15/11/2023, tại Thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images/Tribune Content Agency)


Victor Davis Hanson/Chủ nhật, 17/12/2023

Sau hôm 07/10, công chúng bị chấn động trước những gì họ chứng kiến và nghe thấy trong các khuôn viên trường ở Mỹ quốc.

Người Mỹ trước giờ đều biết rằng cánh tả là những người không khoan nhượng, cũng như việc ngày càng không có nhân tài.

Nhưng ngay sau hôm 07/10 — và thậm chí trước phản ứng của Lực lượng Phòng vệ Israel — sự vui mừng tột độ của sinh viên trước tin tức về vụ sát hại hàng loạt nạn nhân Israel dường như tương tự với nước Đức những năm 1930 hơn là nước Mỹ đương đại.

Quả thực, không ngày nào mà một giáo sư đại học hay một nhóm sinh viên không phát ngôn những lời hận thù bài Do Thái. Họ thường xuyên đe dọa và tấn công các sinh viên Do Thái, hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình rầm rộ kêu gọi tiêu diệt Israel.

Vì sao và làm thế nào mà các trường đại học được cho là ưu tú này lại trở thành nơi ươm mầm của lòng thù hận sâu sắc nhường đó?

Sau cuộc bạo loạn George Floyd vào năm 2020, số lượng tuyển sinh dự bị — nỗ lực tiếp nhận những sinh viên dựa trên sự đa dạng vượt quá số lượng của họ trong dân số nói chung — đã tăng lên.

Các trường đại học ưu tú như Stanford và Yale khoe khoang rằng số lượng sinh viên mới nhập học được gọi là “da trắng” của họ đã giảm xuống từ 20 đến 40%, mặc dù người da trắng chiếm 68–70% dân số nói chung.

Việc bãi bỏ yêu cầu điểm số của kỳ thi SAT và xếp hạng so sánh điểm trung bình của các lớp trung học như thường lệ đã chấm dứt ý tưởng lâu đời và đã được minh chứng qua thời gian về chế độ nhân tài. Bảng điểm trung học xuất sắc và điểm thi không còn bảo đảm cho việc được nhận vào những trường được gọi là ưu tú nữa.

Một kết quả là số lượng người Do Thái trong số sinh viên của các trường đại học hàng đầu đã giảm từ 20–30% trong những năm 1970 và 1980 xuống còn 10–15%.

Sinh viên Do Thái hiện cũng bị xếp vào những người “da trắng” và “có đặc quyền” — và do đó đây được xem là hành động công bằng trong các khuôn viên trường.

Đồng thời, số lượng sinh viên ngoại quốc, đặc biệt là từ các nước Trung Đông giàu dầu mỏ, đã tăng vọt trong các khuôn viên trường. Hầu hết trong số họ đều được chính phủ tại quê nhà trợ cấp. Họ chi trả toàn bộ với mức học phí không được chiết khấu cho các trường đại học đang thiếu tiền mặt.

Một số lượng lớn sinh viên đã vào các trường đại học, những người lẽ ra không được nhận vào chính các trường đại học này do các tiêu chuẩn mà cho đến gần đây họ vẫn tuyên bố là rất quan trọng để bảo đảm khả năng cạnh tranh và uy tín của họ.

Do đó, họ không còn là những nơi đào tạo được các sinh viên đại học và chuyên gia hàng đầu từ các chương trình sau đại học.

Các giảng viên phải đối mặt với những lựa chọn thất bại/thất bại/thất bại mới về việc giảm yêu cầu cho khóa học của họ, hoặc phải tăng khống điểm số, hoặc phải đối mặt với cáo buộc của các ủy viên Đa dạng/Công bằng/Hòa nhập (DEI) về sự thiên vị có hệ thống trong việc chấm điểm của mình — hoặc kết hợp cả ba điều này lại.

Kết quả cuối cùng là hiện nay có hàng ngàn sinh viên đến từ ngoại quốc, đặc biệt là từ Trung Đông, số lượng sinh viên Do Thái ngày càng ít, và các nhóm sinh viên vốn đòi hỏi những thay đổi cực cấp tiến về tiêu chuẩn giảng viên và chương trình giảng dạy đang làm việc để thỏa mãn sự bất bình của họ với các tiêu chuẩn trước đây về thành tích mong đợi của sinh viên.

Và đương nhiên một trận dịch bài Do Thái đã xảy ra ngay sau đó.

Ngoài ra, các lớp học về “nghiên cứu” đã nở rộ, cùng với các giảng viên dạy những lớp đó.

Các khóa học nghiên cứu về “giới tính, người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ La tinh, nữ quyền, người châu Á, người đồng tính, chuyển giới, hòa bình, môi trường và xanh” đòi hỏi sinh viên ít hơn nhiều và tùy tiện chọn một số người là “bị áp bức” và những người khác là “kẻ áp bức.” Sau đó, những “nạn nhân” trước đây sẽ được trao quyền hạn để thực hiện hành vi phân biệt chủng tộc và bài Do Thái mà không phải chịu hậu quả.

Việc chứng tỏ mình đúng đắn về mặt chính trị trong các khóa học suy luận dễ dàng này thay vì bị ép buộc phải thể hiện bản thân một cách mạch lạc, quy nạp, và phân tích từ một kho kiến thức dựa trên thực tế, giải thích lý do tại sao công chúng chứng kiến các giảng viên và sinh viên đồng thời vừa kiêu ngạo vừa thiếu hiểu biết.

Tại một số trường đại học, các “danh sách đen” lưu hành cảnh báo những sinh viên “bị gạt ra bên lề xã hội” những giáo sư mà họ nên tránh. Đây là những giáo sư vẫn bám vào những tiêu chuẩn được cho là đã lỗi thời về việc làm bài thi, thời hạn, và việc xin vắng mặt trong buổi học.

Tất cả những thay đổi căn bản này giải thích cảnh tượng hiện nay về những sinh viên giận dữ đưa ra những lời bất bình, và những sinh viên tốt nghiệp có trình độ học vấn thấp, những người tham gia ít môn học về lịch sử, văn học, triết học, logic hoặc khoa học truyền thống.

Các trường đại học và sinh viên có rất nhiều tiền để tiếp tục vũ khí hóa trường đại học nhờ nguồn thu nhập rất lớn được miễn thuế của họ. Chính phủ trợ cấp gần 2 ngàn tỷ USD các khoản vay sinh viên mà không cần trách nhiệm giải trình hoặc yêu cầu hợp lý rằng những khoản nợ này phải được hoàn trả đúng hạn.

Các trường hợp ngoại lệ và miễn trừ là ưu tiên của những nhà quản lý hay sợ hãi và coi trọng thành công cá nhân.

Đối mặt với làn sóng chủ nghĩa bài Do Thái, các nhà quản lý trường đại học hiện tuyên bố rằng họ không thể làm gì nhiều để kiềm chế sự thù hận. Tuy nhiên cá nhân họ đều biết rằng, nếu mục tiêu của sự thù hận tương tự này là người Mỹ gốc Phi Châu, đồng tính nam, người Mỹ Latinh, hoặc phụ nữ, thì họ sẽ trục xuất những kẻ thù ghét trong một phần ngàn giây.

Kết quả cuối cùng của việc các trường ưu tú từng cho 70–80% sinh viên của họ các điểm A, trở thành điểm nóng của chủ nghĩa bài Do Thái nguy hiểm, và chương trình giảng dạy thiếu chất lượng không thể tạo ra những sinh viên được giáo dục tốt là gì?

Các trường đại học hàng đầu này và những trường được gọi là ưu tú tương tự có thể sớm đi theo con đường của Disney và Bud Light.

Họ cho rằng việc họ bị mất danh tiếng như vậy là điều không thể xảy ra với tầm vóc quen thuộc hàng thế kỷ.

Tuy nhiên, sự xói mòn đã xảy ra và đang tăng tốc.

Với tốc độ hiện tại, bằng luật Stanford, chuyên ngành khoa học chính trị Harvard, hoặc cử nhân khoa học xã hội Yale sẽ sớm khiến các nhà tuyển dụng và công chúng nói chung sợ hãi.

Những bằng cấp này sẽ không biểu thị bằng chứng về sự khiêm tốn, tri thức, và sự đoan trang, mà là sự tự cao, sự trống rỗng, và sự cuồng tín không nên có — và đây là tất cả những điều cần tránh thay vì theo đuổi.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Doanh Doanh biên dịch