Hoa Kỳ: 33 ngàn tỷ USD nợ quốc gia đồng nghĩa với việc đánh thuế nhiều hơn

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Thế Giới Hôm Nay/ Portland có gì lạ

.

Jeff Carter/Thứ năm, 07/12/2023

Trong vài tuần qua, nhiều phương án thuế mới đã được đề nghị trên các tờ báo khác. Tôi đã đọc ý tưởng của các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes về cách mở rộng cơ sở tính thuế trên những tờ báo có tư tưởng tự do thiên tả như The New York Times và trên những tờ báo theo phái bảo tồn truyền thống chính thống như The Wall Street Journal.

Những ý tưởng đã được trình bày trong mỗi ấn phẩm này sẽ không giúp ích gì cho việc mở rộng cơ sở tính thuế hoặc làm được bất cứ điều gì để bù đắp thâm hụt.

Đầu tiên, hãy hiểu thâm hụt có nghĩa là gì. 33 ngàn tỷ USD nợ là khoản thuế đánh vào tất cả thu nhập trong tương lai của mỗi công dân Mỹ. Điều quan trọng là đây không phải là thuế đánh vào các công ty Mỹ vì các tập đoàn không đóng thuế. Các công ty chỉ bao gồm thuế trong việc tính phí thôi và khách hàng của họ phải trả thông qua mức giá cao hơn, thuế vẫn sẽ đánh vào công dân Mỹ dưới dạng giá cao hơn. Tuy nhiên, như quý vị sẽ thấy trong bài viết này, 33 ngàn tỷ USD không phải là con số chính xác để trích dẫn khi tính nợ của Mỹ.

GDP của Mỹ năm 2021 là 23.32 ngàn tỷ USD. Nếu chúng ta áp dụng thuế suất Hauser — mức cao nhất mà Sở Thuế vụ có thể mong đợi thu được từ GDP là 19%, hay 4.43 ngàn tỷ USD. Bởi vì chính phủ đã quá cồng kềnh mà lại đang cố gắng làm quá nhiều thứ, nên luôn hoạt động ở mức thâm hụt. Vì vậy, sử dụng kế hoạch đánh thuế hiện tại là không tài nào theo kịp được [tiến độ trả nợ và chi tiêu của chính phủ].

Ngoài ra, chúng ta biết rằng luật thuế hiện hành còn rất nhiều lỗ hổng. Luật thuế này hoàn toàn không khách quan, mà ngược lại mang tính chủ quan cao. Những người vận động hành lang làm việc chăm chỉ với các nhà lập pháp để khiến cho có vẻ như mọi người đều được đánh thuế “công bằng,” nhưng trên thực tế không ai được đánh thuế công bằng hết. Đó là lý do tại sao thư ký của ông Warren Buffett phải trả mức thuế thu nhập cao hơn chính nhà tiên tri xứ Omaha.

Ông Steven Hayes, chủ tịch của FairTax.org, đã viết một bài báo trên trang web của mình. Trong đó, ông trích dẫn những điểm này từ mô hình ngân sách do các nhà kinh tế học tại Đại học Pennsylvania cung cấp:

  • “Dư nợ công” 33.2 ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ mà giới truyền thông vẫn thường trích dẫn phần lớn là sai lệch, bởi vì con số này bao gồm 6.8 ngàn tỷ USD mà chính phủ liên bang “nợ chính mình” thông qua quỹ tín thác và các hoạt động kế toán khác.
  • Các chuyên gia kinh tế từ lâu đã tập trung vào “nợ do công chúng nắm giữ,” hiện bằng khoảng 98% GDP, ở mức 26.3 ngàn tỷ USD, để đánh giá tác động của nợ công đối với nền kinh tế.
  • Chúng tôi ước tính rằng nợ do công chúng nắm giữ của Hoa Kỳ không thể vượt quá khoảng 200% GDP ngay cả trong điều kiện thị trường nhìn chung thuận lợi như hiện nay.
  • Không thể đánh đồng tỷ lệ nợ công lớn hơn ở các quốc gia như Nhật Bản với tỷ lệ nợ công của Hoa Kỳ, bởi vì Nhật Bản có tỷ lệ tiết kiệm gia đình lớn hơn nhiều, một tỷ lệ vốn có thừa khả năng hấp thụ hết khoản nợ lớn hơn này của chính phủ Nhật Bản.
  • Theo chính sách hiện tại, Hoa Kỳ có khoảng 20 năm để có hành động khắc phục, sau đó thì không còn khoản tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu nào trong tương lai có thể tránh được việc chính phủ vỡ nợ dù là công khai hay ngấm ngầm (tức là lẳng lặng tiền tệ hóa nợ bằng cách in tiền hoặc phát hành trái phiếu rồi mua lại thông qua ngân hàng trung ương, qua đó tạo ra lạm phát đáng kể).

Không giống như các vụ vỡ nợ kỹ thuật mà các khoản thanh toán chỉ bị trì hoãn, việc vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn nhiều và sẽ gây ra làn sóng chấn động trên toàn nền kinh tế toàn cầu. Khung thời gian 20 năm là viễn cảnh tốt nhất cho Hoa Kỳ trong điều kiện thị trường khi các hành động tài khóa khắc phục được thực hiện trước thời hạn. Nhưng tất nhiên, chúng ta biết trong thực tế điều đó không bao giờ xảy ra.

Thay vào đó, nếu chúng ta đã thiết lập được một lối suy nghĩ hoàn toàn khác về cách thu và đánh thuế, thì lẽ ra chúng ta có thể đã có một cơ hội thoát khỏi mớ bòng bong này mà không làm suy thoái nền kinh tế thế giới hoặc làm ảnh hưởng nhiều hơn đến túi tiền của mỗi người dân Hoa Kỳ.

Ai ở Hoa Thịnh Đốn cũng biết có một chuyến tàu chở hàng đang lao đến và sắp sửa tàn phá đất nước này. Các nhà hoạch định chính sách có những thông tin cần thiết để khiến đoàn tàu này chuyển hướng, nhưng thay vì tiến hành một kế hoạch vững chắc, họ lại đặt hy vọng vào một quy trình phức hợp và phức tạp đến mức cử tri của họ sẽ trở nên mụ mẫm để cho các “nhà tư vấn thông minh” ở Hoa Thịnh Đốn tiếp quản việc này.

Có một giải pháp được gọi là thuế công bằng. Theo Trung tâm các Ưu tiên về Chính sách và Ngân sách, đây là một số dữ liệu củng cố luận điểm của tôi:

Trong năm tài khóa 2023, ước tính chính phủ liên bang sẽ chi 6.3 ngàn tỷ USD, chiếm 24.2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.

Trong số 6.3 ngàn tỷ USD đó, ước tính hơn 4.8 ngàn tỷ USD là do các nguồn doanh thu của liên bang tài trợ.

Trong số đó, 1.5 ngàn tỷ USD sẽ được tài trợ bằng khoản vay ròng.

Nhưng sự thật là thuế thu nhập/tiền lương thu được chỉ đạt mức 4.4 ngàn tỷ USD chứ không phải là 4.8 ngàn tỷ USD như dự đoán vào thời điểm nghiên cứu được viết vào năm tài khóa 2023. Vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ vẫn chi 6.3 ngàn tỷ USD, nên họ phải vay 1.9 ngàn tỷ USD chứ không phải là 1.5 ngàn tỷ USD.

Thứ gọi là thuế công bằng sẽ được tính hàng năm, và vào năm 2023, thuế suất tổng cộng là 23% này sẽ thu về 4.4 ngàn tỷ USD cho năm tài khóa 2023. Một phép tính rất đơn giản. Cứ 1 phần trăm thuế công bằng sẽ mang về được 191.3 tỷ USD doanh thu tiền thuế. Nếu quý vị giảm chi tiêu chính phủ đi 191.3 tỷ USD, thì quý vị có thể giảm tỷ lệ 23% xuống còn 22%.

Lần đầu tiên với mỗi lần mua hàng, người Mỹ sẽ cảm nhận được nợ chính phủ ảnh hưởng như thế nào đến khoản thuế mà họ phải trả.

Tuy nhiên, còn có những lợi ích khác không được tính đến trong phép tính thuế công bằng nêu trên. Các chương trình thuế thu nhập liên bang và tiểu bang hiện nay không đánh thuế nền kinh tế ngầm. Các chương trình này không đánh thuế người ngoại quốc bất hợp pháp. Mà giới nhà giàu cũng có thể trả tiền cho luật sư thuế để tránh thuế.

Theo kế hoạch thuế công bằng thì mọi người đều sẽ phải trả tiền. Có nghĩa là thuế công bằng gần như chắc chắn sẽ thu được nhiều hơn doanh thu dự kiến, đồng thời sẽ mang tính lũy tiến. Không chỉ vậy, quý vị còn không phải khai thuế liên bang và quý vị sẽ thấy nhiều tiền hơn trong tiền lương của mình vì thuế tiền lương sẽ không còn nữa. Chỉ các doanh nghiệp bán lẻ mới thu thuế và nộp cho chính phủ liên bang. Ngày nay họ vốn đã áp dụng kế hoạch này với thuế bán hàng tiểu bang.

Giải pháp thuế công bằng rất đơn giản, khách quan, gọn nhẹ, và trả lại quyền lực cho người dân Mỹ đồng thời tránh xa những người vận động hành lang và các chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn.

Vân Du biên dịch