Ông Ngô Đình Quỳnh (cháu cố TT Ngô Đình Diệm) kể về cha mẹ ông và cuộc đảo chính Ngày 1/11/1963

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

Cách nay 61 năm, vào ngày 1/11 năm 1963, Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam là Ngô Đình Diệm đã bị một nhóm tướng lãnh, dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Dương Văn Minh, đảo chánh.

.

Sáng ngày hôm sau, ông Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, cũng là bào đệ, đã bị bắn và đâm chết khi hai ông đang ở trong một xe thiết giáp của quân đội.

Khi đảo chánh thành công, báo chí lúc bấy giờ dưới sự kiểm soát của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đã đưa tin anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm tự tử.

Sự thực là hai ông bị giết và xác được áp tải đưa về Bộ Tổng tham mưu là bản doanh của phe đảo chánh.

Theo sử gia Richard Reeves viết trong cuốn President Kennedy, xuất bản năm 1993, tân đại sứ Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge biết về âm mưu giết ông Diệm và ông Nhu của phe đảo chánh và phía Mỹ đã chần chừ không muốn cho hai ông đi ra nước ngoài, vì khi được yêu cầu một tướng Mỹ nói phải mất 24 tiếng đồng hồ mới có máy bay, trong khi căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Philippines chỉ cách Sài Gòn chừng 3 giờ bay.

Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ riêng của Tướng Dương Văn Minh, là kẻ chủ mưu hay chỉ là kẻ thừa hành nhận lệnh từ cấp trên và cấp trên đó là Tướng Mai Hữu Xuân, người được Tướng Minh điều động đi đón hai ông từ nhà thờ Cha Tam, hay Đại úy Nhung trực tiếp nhận lệnh giết từ Tướng Minh?

Hai tháng sau khi đảo chánh, khi Tướng Minh bị Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, tức là bị đảo chánh, thì Đại úy Nhung cũng chết trong trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám là nơi ông đang bị giam và thẩm vấn về vai trò liên quan đến cái chết của ông Diệm và Nhu. Cái chết của Đại úy Nhung nhiều người cho là bị thủ tiêu hơn là tự ý treo cổ tự tử.

Về cái chết của anh em ông Diệm, theo cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa viết trong loạt bài đăng trên báo Người Việt ở Nam California, từ ngày 30/3/1996, thì Đại úy Nhung trực tiếp nhận mật lệnh giết hai ông từ Tướng Dương Văn Minh. Ông Nghĩa lúc đảo chánh là thiếu tá và có đi theo đoàn xe đón anh em ông Diệm, Nhu ở nhà thờ cha Tam.

Câu chuyện ông Ngô Đình Quỳnh, con ông Ngô Đình Nhu

Kể từ khi được đưa sang Rome tháng 11/1963, ông Ngô Đình Quỳnh chưa vào giờ trở về Việt Nam

  • Phạm Cao Phong ,Nhà báo tự do ở Paris, Pháp/ 21 tháng 3 2023

Trong một buổi chiều ở Brussels, khi nhưng giọt nước mưa mùa đông vẽ những đường kỷ hà bên ngoài cửa kính khách sạn Amigo, tôi có dịp gặp ông Ngô Đình Quỳnh, con trai út của bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu.

Ông kể cho tôi bằng tiếng Pháp câu chuyện thoát hiểm kỳ lạ mấy anh em sau ngày 1/11/1963, khi quân đảo chính sát hại Tổng thống Diệm và cha ông:

“Có một câu chuyện nhỏ thế này. Cha của chúng tôi đã bố trí dự phòng một kế hoạch khi có biến. Một vị đại tá được giao trách nhiệm coi sóc chúng tôi, anh tôi là Ngô Đình Trác, tôi và em gái tôi Ngô Đình Lệ Quyên ở Đà Lạt, thành phố nơi chúng tôi sinh sống.

Phòng nếu khi cuộc đảo chính xảy ra, vị đại tá với số ít người thân tín và những cận vệ được ba tôi cắt cử trông nom được dặn phải lập tức đưa chúng tôi vào rừng. Mục đích là để tránh cho phe đảo chính bắt cóc chúng tôi làm con tin, dùng chúng tôi làm áp lực lên bác tôi và cha tôi, dồn họ vào tình thế khó xử. Để bác tôi và cha tôi không phải lo lắng, bận tâm về số phận của mấy anh em tôi trong trường hợp phe đảo chính xử dụng thủ đoạn này. Đó là một kế hoạch nhằm bảo đảm sinh mạng cho chúng tôi. Cha tôi đã dự phòng một kế hoạch như thế.

Chúng tôi lẩn trốn vào rừng, di chuyển trong ba ngày. Chúng tôi mang theo một máy thu thanh để hóng tin tức, để biết chuyện gì đã xẩy ra, để biết cuộc đảo chính diễn biến ra sao. Khi được tin bác tôi và cha tôi đã bị sát hại, vị đại tá dẫn chúng tôi ra khỏi rừng trở lại gặp viên tư lệnh Đà Lạt, người mà cha tôi tin cậy. Ông Tư lệnh sẽ coi sóc chúng tôi. Chẳng may, ông đã bị phe đảo chính bắt giữ. Khi chúng tôi đến nơi, ông đã bị cầm tù.”

Ông Ngô Đình Quỳnh, trong trang phục sang trọng, nét nhìn u buồn, quý phái kể tiếp:

“Tôi nhớ là họ đưa chúng tôi vào một góc phòng khách và bàn tán với nhau. Chúng tôi hiểu là họ đang hỏi nhau, có phải giết chúng nó đi không ?

Không biết bằng cách nào mẹ tôi đã liên lạc được với họ trên điện thoại đúng vào thời điểm đó.

Tôi thấy một vị tướng đứng dậy, ra nhấc máy và trả lời. Ông ta chỉ nói” dạ, dạ, dạ ” rồi dập máy. Có thế thôi.

Về sau mẹ tôi bảo lần ấy có nói “Các ông mà đụng đến con tôi, sẽ biết tay tôi.” Không biết một người phụ nữ còn ở ngoài nước, đã mất hết quyền thế, chồng và anh rể vừa bị sát hại, còn có thể làm gì cho người ta sợ?

Tôi nghĩ có thể lương tâm họ không được yên vì đã phản bội rồi giết bác tôi, giết cha tôi. Như thế đủ lắm rồi.”

Sau cuộc đảo chính chớp nhoáng, lật đổ một chế độ có những năm mà sử sách ca ngợi là Vàng Son, người ta đưa anh em ông Ngô Đình Quỳnh ra khỏi Nam Việt Nam. Ông kể tiếp:

“Sau đó họ cho chúng tôi lên một máy bay. Một chiếc phi cơ Boeing. Chỉ có chúng tôi trên chiếc máy bay đó, anh Trác tôi, em gái tôi Lệ Quyên, tôi và thêm một người Mỹ, có thể nghĩ rằng đó là một người của CIA.

Thời bấy giờ máy bay không bay thẳng một mạch được, phải đỗ lại giữa đường. Tôi nhớ nơi đỗ lại là Karachi. Sau đó là Rome.”

“Sao lại Rome ? Vì bác tôi, Giám mục Ngô Đình Thục ở đó. Mẹ tôi và chị tôi Ngô Đình Lệ Thủy từ Mỹ sang, đến đoàn tụ với chúng tôi. Ba anh em chúng tôi, anh cả tôi, tôi, và em gái, đến Rome là như thế.”

Không thể tin được

Ông Quỳnh kể tiếp, sau đó cả mấy tháng, dù báo chí và những bức ảnh tràn lan về cuộc đảo chính lan tỏa khắp thế giới, mẹ ông và cả cá nhân ông đều không tin là ông Nhu đã bị giết (ngày 02/11/1963):

“Ba tôi nhiều khi biến mất cả tháng, không để lại tin tức gì. Tôi tin rằng ba tôi đang trong một sứ mệnh bí mật nào đó. Mẹ tôi cũng thế, bà không tin là họ có thể thủ tiêu chồng mình.”

Câu chuyện thoát hiểm của ba anh em ông Quỳnh ám ảnh tôi rất lâu. Có những điều không lý giải được về Định mệnh chăng? Nếu không phải vào giờ ấy, phút ấy, ngày ấy và cú điện thoại của người mẹ gọi từ Mỹ hẳn cả ba đứa trẻ vô tội đã bị giết? Các toán biệt kích và cả máy bay đã được gửi để săn đuổi.

Câu chuyện ly kỳ như sự tích chòm sao Aries, tinh vân gắn với thân phận những người di tản buồn lấp lánh trên giải Thiên hà. Đây là chòm sao thứ nhất trong cung Hoàng Đạo có hình chiếc sừng dê.

Định mệnh của bà Trần Lệ Xuân ẩn dưới tinh cầu Aries. Chú giải về chòm sao này có phần đúng với tính cách của bà với cái đầu đầy ý tưởng muốn thay đổi thế giới.

Aries Trần Lệ Xuân cũng đã một lần cứu thoát ông Diệm và ông Nhu trong cuộc đảo chính hụt ngày tháng 11/1960.

Ghi chép xúc động của đại úy Đỗ Thọ, tùy viên của Tổng thống Diệm kể câu chuyện sau :

“Khi Tổng thống Diệm tuyên bố từ chức giao quyền lại cho phe phái quân nhân đảo chánh, tình hình trong dinh Độc Lập bệ rạc, sửa soạn rẽ sang con đường mới.

Tổng thống Diệm ngồi thừ trên ghế xa-lông, ông Ngô Đình Nhu vầng trán nhăn lại. Đại tá Nguyễn Khánh đưa ra kế hoạch chống đảo chánh và đợi lệnh. Bà Nhu ngồi cạnh ông Nhu vẻ mặt đanh thép. Tổng thống Diệm nhìn thẳng về phía ông Nhu hỏi:

– Chú định thế nào?

Ông Nhu đáp:

– Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt chứ tôi đâu có làm Tổng thống.

Tổng thống Diệm yên lặng, ông Nhu đăm chiêu thêm. Thế là chẳng có ý kiến định đoạt nào cả. Một khắc thời gian trôi qua cũng đủ làm thay đổi, suy sụp chính thể.

Bà Nhu giận dữ đứng dậy gỡ khúc rối trên bước đường chính trị của Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu, bằng thái độ hùng hổ :

– Tại sao chúng ta lại thất bại một cách dễ dàng như thế ?

Thái độ bà Nhu như gáo nước lạnh thức tỉnh Tổng thống Diệm, ông Nhu và Đại tá Nguyễn Khánh. Ba đôi mắt chính trị, lãnh tụ và quân sự đổ dồn vào bà Nhu.

Bà Nhu lạnh lùng hướng về phía ông Nhu hùng hổ nói :

-Anh nói vậy sao được, phải giúp Tổng thống!

Quay qua Tổng thống Diệm, bà Nhu nói :

– Tổng thống cương quyết dẹp đảo chánh hay hàng ? Bây giờ chúng ta phải làm như thế này… Như thế này…

Trong lúc đó Đại tá Khánh tròn cặp mắt ốc nhồi nhận lệnh. Bà Nhu nói thật nhiều, thật dữ…Kết quả cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 thất bại.

Hành động của bà Nhu thúc đẩy Tổng thống Diệm trở bại thành thắng…”

Ông Quỳnh kể thêm về biến cố này :

“Trong cuộc đảo chính hụt, mẹ tôi là người duy nhất đã hiểu tình thế. Khi lính nhảy dù tấn công Dinh Tổng thống, các tướng đều hoảng hốt, không hiểu việc gì đang diễn ra. Tổng thống và các tướng lĩnh không hiểu, tại sao binh chủng tinh nhuệ lại quay ra tạo phản. Mọi người đều nghĩ là cần phải thương lượng với nhóm đảo chính.

Mẹ tôi nói, thương lượng là giải pháp sai. Chỉ cần ra đài phát thanh tuyên bố, Tổng thống đang được an toàn tuyệt đối. Chỉ cần giải thích là một số tướng lĩnh chỉ huy đã dối trá, lừa dối quân lính. Không có chuyện quân đội làm phản. Giải pháp chỉ đơn giản thế thôi !!!

Ngoài mẹ tôi ra, chẳng ai hiểu việc gì đang xẩy ra, chẳng ai thấy nhìn nhận được tình thế và biết phải xử lý thế nào.

Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy thăm Mỹ khi xảy ra vụ đảo chánh tháng 11/1963

Lý giải làm sao, một người đàn bà 36 tuổi làm được điều ấy?

Mấy câu “phải thế này, phải thế này “của bà Nhu đã đẩy lui Lữ đoàn thiện chiến mũ đỏ do Trung tá Vương Văn Đông, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Nguyễn Triệu Hồng chỉ huy.

Các sĩ quan đảo chính thất bại, ôm đầu máu chuồn vội lên chiếc máy bay khu trục Douglas Skyraider trốn chạy qua Campuchia.

Bà Nhu sinh năm Giáp Tý 1924. Năm Canh Tý 1960 là năm tuổi của bà, thời điểm mà các thầy chiêm tinh khuyên ”ốc không mang nổi mình ốc, đừng mang cọc cho rêu”.

Song bà Nhu lại bướng. Bà không muốn để quân đảo chính trói tay, đâm đến 15 nhát dao và bắn vào đầu như chồng bà ba năm sau. Như thế là có tội?

Vì thế, người đời ghét bà Nhu chăng? Bà là con chuột Lửa, như con chuột trong câu chuyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine dùng những chiếc răng nhỏ cắn nát những mắt lưới đang chụp lên sinh mệnh Đệ Nhất VNCH, giải thoát cho ông Diệm và ông Nhu.

Bà giỏi hơn cả con cừu Aries. Bà không ôm con chạy khi Dinh Gia Long bị nã đại bác. Bà ra những mệnh lệnh quân sự, điều binh khiển tướng. Ngày 11/11/1960, nếu không có “bóng hồng trong cung ” Trần Lệ Xuân công Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu hẳn không toàn mạng sống và Đệ nhất VNCH không sống thêm 1000 ngày?

Trả lời câu hỏi của tôi về hai biến cố đảo chính 1960, 1963, cựu đại tá Hoàng Cơ Lân của lực lượng tinh nhuệ này, người trực tiếp chứng kiến cái chết của em ông là Trung tá Nguyễn Triệu Hồng nói :

“Nếu mà nói, hồi 1963 bà Ngô Đình Nhu ở nhà, tình hình sẽ khác, thì nhiều người nói, mà tôi cũng tin như vậy. Bà có linh tính của người đàn bà rất thông minh. “

Thời khắc Định mệnh đó, lẽ ra cần có những quyết định cứng rắn và kịp thời. Nếu năng động, với lực lượng sẵn có trong tay đang bảo vệ Dinh Gia Long, ông Diệm và ông Nhu có cơ hội lật ngược thế cờ.

“Qua Đài Phát Thanh lúc 4 giờ Tổng Thống Diệm nghe rõ giọng nói của 22 vị tướng tá xướng danh để áp đảo tinh thần Dinh Gia Long.

Ông Ngô Đình Quỳnh trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Cao Phong cuối năm 2022 ở Brussels, Bỉ

Tổng thống Diệm bảo Đại úy Bằng và các sĩ quan tùy viên:

-Các Tướng bị bọn nó bắt cóc làm con tin đấy thôi.

Cũng vì vậy khi Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ xin Tổng Thống cho đem quân lên Bộ Tổng Tham Mưu để “giải thoát” các tướng Tá thì Tổng thống khước từ với lý do:

-Mình đem quân lên giải cứu, bọn nó sẽ giết hết các tướng để từ từ coi.

Cũng vào lúc 4h30 Trung tướng Đôn có điện đàm với Tổng thống Diệm yêu cầu Tổng thống Diệm và ông Nhu từ bỏ quyền hành và xuất ngoại, vì quân đội đã đứng lên đảo chánh và đã vây chặt thành Cộng Hòa, Dinh Gia Long.

Tổng thống Diệm nói như quát:

-Quân mô? Vây ở mô?

Sự thực, lực lượng đảo chánh không đáng kể… Quân của Sư đoàn 5 vẫn còn ở bên ngoài Đô Thành. Phía Phú Lâm, Chợ Lớn, cầu Chữ Y, Khánh hội, Thị Nghè còn bỏ trống.

Theo Thiếu tướng Lâm Văn Phát thì vào giờ đó, Hội Đồng Tướng Lãnh chưa biết phải làm gì và hoàn toàn giao động vì vị nào cũng tưởng rằng, khi đọc hiệu triệu trên đài phát thanh thì các cánh quân của Quân đoàn III (trong đó có Sư đoàn 5) đã vây chặt thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long cũng như đã làm chủ tình hình Saigon Gia Định Chợ Lớn, nhưng ngược lại, các cánh quân chủ lực của cuộc đảo chánh vẫn còn rời rạc lẻ tẻ và chưa vượt qua cầu Phan Thanh Giản và cầu Thị Nghè thì đã bị Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống chặn đứng tại Đa Kao và Sở Thú.

4h30, một cú điện thoại từ Bộ Tổng tham mưu gọi cho Thiếu tá Duệ:

-Kéo thẳng lên đây đánh thốc vào Bộ Tổng tham mưu, ở đây chỉ lèo tèo vài đại đội tân binh và lính truyền tin.

Thiếu tá Duệ hỏi:

-Tướng lãnh làm gì trên đó?

Ông Duệ được trả lời:

-Cha con mấy trự đang xanh mặt “té đái…”

Sự thực Chiến Đoàn Vạn Kiếp của Trung Tá Vĩnh Lộc cho đến lúc ấy vẫn còn án binh phía bên kia cầu Phan Thanh Giản.

Khoảng 4h30, khi Đại Tá Phát đến một căn nhà ngay ngã tư Phan Thanh Giản- Đinh Tiên Hoàng được coi như bản doanh tiền phương của Sư đoàn 5 và chiến đoàn Vạn Kiếp thì lúc ấy Trung tá Vĩnh Lộc đang say ngất ngư và cũng như chưa biết phải tiến quân như thế nào…

Sĩ quan cũng như binh sĩ vẫn còn ngơ ngác không biết phải làm gì… chỉ thị của thượng cấp hết sức mơ hồ.

Tướng Lâm Văn Phát cũng tiết lộ, vào giờ phút đó, các Tướng tá tại Bộ TTM gần như tuyệt vọng, ai nấy xanh mặt và chuẩn bị valise để lên đường tẩu thoát.

Trung tá Nguyễn Cao Kỳ trách nhiệm phần vụ “nếu thất bại sẽ dùng mấy chiếc Dakota của Liên đoàn Vận Tải để đưa các tướng tá qua Thái Lan” .

Các Tướng tá hồi hộp từng phút giây theo dõi cuộc tiến quân của Quân đoàn III nhưng chỉ nghe thấy tiếng nổ xa xăm… 4h30, Trung tá Kỳ dẫn 2 phi công vào trình diện Hội Đồng Tướng lãnh. Hai phi công này lái AD nhào lộn oanh kích khu vực thành Cộng Hòa và sự hiện diện của ba chàng Không quân này tựa hồ như cơn gió mát giữa cơn nồng nặc nghẹt thở trong phòng Hội Đồng.

Trung úy Niên thấy tình hình rất lâm nguy. Bỗng nhiên, ông nhận được tin từ Hội đồng Tướng lãnh cho biết: Đại tá Lâm Văn Phát tạm thay Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, thống lãnh Sư đoàn 5 để thanh toán Dinh Gia Long và thành Cộng Hòa. Được tin này, Trung tướng Dương Văn Minh biến sắc.

Một số Tướng lãnh gỉ tai nhau: “Thôi hỏng rồi… tại sao Đính lại giao cho Phát như thế tụi nó quật ngược lại bọn mình rồi”. Không khí nghẹt thở.”

(Trích theo cuốn: Làm sao giết một Tổng thống-Lương Khải Minh)

Cơ đồ của ông Diệm, ông Nhu chìm biển sâu như thế. Lịch sử sẽ khác đi, nếu bà Nhu có mặt tại Sài Gòn vào ngày 1/11/1963?

Tôi lật những trang ảnh của tạp chí Life giai đoạn đó, nhìn vào tấm hình bà Trần Lệ Xuân trong chiếc áo dài mầu rêu xanh pha ánh vàng và suy nghĩ về thân phận con người Việt Nam, nhất là một phụ nữ ở đỉnh cao chính trị.

Còn về con người xương thịt của bà Ngô Đình Nhu. Cũng tương tự như Aries, bà Nhu chẳng có một cơ hội đặt một cành hoa nhỏ, nơi anh chồng và chồng mình nằm xuống, nơi vĩnh viễn trở thành bến đợi hiu hắt. Bà mất vào một ngày tháng Tư ở Rome năm 2011.

Tôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Đình Quỳnh :

-Nhiều tướng lĩnh Sài Gòn, thậm chí một đại tá trong binh chủng nhảy dù nói với tôi rằng : Nếu người mẹ của ông, bà Trần Lệ Xuân có mặt tại thời điểm xảy ra cuộc đảo chính năm 1963, thì chưa chắc sự phản bội của nhóm tướng lĩnh có cơ may thành công.

Ông có nghĩ rằng, có một âm mưu tách mẹ ông ra khỏi biến cố đó ?

Ông Ngô Đình Quỳnh trả lời :

-Có. Có một cơ mưu để đẩy xa bố tôi và mẹ tôi. Chúng tôi có biết là chính phủ Mỹ đã làm ám lực rất mạnh để bác tôi lìa khỏi cả bố tôi lẫn mẹ tôi, vì họ sợ ảnh hưởng của hai người. Nhất là của mẹ tôi, vì trong cuộc đảo chính hụt mới qua, họ đã thấy mẹ tôi là người duy nhất đã hiểu tình thế.

Khi thấy mẹ tôi sáng suốt như thế, họ âm mưu với nhau là phải làm sao đẩy mẹ tôi đi xa, nếu muốn tiến hành đảo chính một lần nữa. Và họ đã thành công.

Họ không thành công với cha tôi. Cha tôi không chịu rời bác tôi. Không đời nào. Bác tôi cũng nhất quyết không rời cha tôi.

Đã 60 năm xa rời đất nước, ông Ngô Đình Quỳnh cũng chưa một lần trở về Việt Nam. Đến bao giờ, ông mới có dịp nghiêng mình trước mộ phần người cha đã mất, khi ông mới 11 tuổi? Đất nước nơi bác ông, cha mẹ ông gây dựng lên một chính thể – có người gọi là ‘triều đại’ – đã mấy lần đổi thay chế độ, và chỉ muốn quên hết họ đi, đẩy hết họ vào các trang sử mờ mịt.

Ấy thế mà ông Ngô Đình Quỳnh cứ ngồi đây, nói chuyện với tôi. Ông là ai, từ đâu tới?

Bài viết cho BBC News Tiếng Việt dựa trên cuộc phỏng vấn video của nhà báo Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *