Thủ tướng Thái Lan xin lỗi vì vụ đàn áp người Hồi giáo từ hai thập kỷ trước

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

Hân Nhi•Thứ Sáu, 25/10/2024
Hôm thứ Năm (24/10), Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã xin lỗi về việc hàng chục người biểu tình Hồi giáo thiệt mạng do bị nhồi nhét trên xe tải quân đội cách đây hai thập kỷ. Bà Paetongtarn lên tiếng khi chỉ còn vài giờ trước lúc hết thời hiệu truy tố một vụ việc mà không có quan chức nhà nước nào bị kết án.

Tân thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, làm thế tay hợp thập chào mọi người trong một buổi họp báo tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 16 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: CHANAKARN LAOSARAKHAM/AFP via Getty Images)

Cuộc đàn áp an ninh ở phía nam thị trấn Tak Bai năm 2004 đã khiến 85 người thiệt mạng và là một trong những sự kiện gây chú ý nhất của cuộc nổi dậy ly khai tái bùng phát trong cùng năm đó và kể từ đó hơn 7.600 người đã thiệt mạng.

“Tôi vô cùng đau buồn về những gì đã xảy ra và thay mặt chính phủ gửi lời xin lỗi”, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nói, đồng thời cam kết đảm bảo những sự việc như vậy sẽ không tái diễn.

Vụ việc xảy ra ở Thái Lan nơi mà đa số người theo đạo Phật đã thu hút sự chú ý của quốc tế và bị lên án rộng rãi, sau khi 78 người bị đè chết hoặc ngạt thở trong khi bị trói và chất chồng lên nhau trên xe tải quân đội. Bảy người khác thì bị bắn chết.

Cuộc đàn áp này được biết đến rộng rãi với tên gọi vụ thảm sát Tak Bai và diễn ra dưới thời chính phủ của ông Thaksin Shinawatra, thân phụ của thủ tướng Paetongtarn. Ông Thaksin hiện vẫn là nhân vật chủ chốt đằng sau Đảng Pheu Thai cầm quyền. 

Nhiều nỗ lực truy tố nhân viên an ninh đều thất bại, trong đó có hai nỗ lực trong hai tháng qua.

Vào tháng Tám, một tòa án đã chấp nhận một vụ kiện hình sự của gia đình nạn nhân chống lại bảy viên chức cấp cao, trong đó có một vị tướng đã nghỉ hưu và một nhà lập pháp của đảng cầm quyền, nhưng tất cả những người đó đều không có mặt tại phiên điều trần. Một vụ kiện riêng chống lại tám nhân viên khác do tổng chưởng lý đệ trình vào tháng Chín đã không có tiến triển gì.

Bà Paetongtarn nói rằng vụ việc không nên bị chính trị hóa, đồng thời nói thêm rằng thời hiệu không thể được gia hạn vì điều đó sẽ vi phạm hiến pháp. Cảnh sát Thái Lan cho biết họ đang tích cực theo dõi tất cả 14 nghi phạm và đã ban hành lệnh truy nã đỏ của Interpol.

“Mặc dù vụ án đã khép lại, nhưng lịch sử và ký ức thì không”, ông Ratsada Manooratsada, luật sư của gia đình các nạn nhân, nói với Reuters.

“(Các gia đình) sẽ không bao giờ quên vì những kẻ thủ ác không bị đưa ra xét xử”, ông Ratsada nói. 

Hân Nhi, theo Reuters

Xem các tin khác của Hoa Kỳ & Thế Giới trong ngày