Việt nam: Ông Lương Cường thay thế Tô Lâm chức chủ tịch nước sau áp lực ‘cân bằng quyền lực’

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹTin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạLưu Trữ / Tài Liệu/ Bầu cử 2024/

TIN TỨC HÀNG NGÀY

TIN PORTLAND & VANCOUVERHOA KỲ & THẾ GIỚINGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠITIN VIỆT NAM

Tân Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 21/10/2024.

Giới quan sát nhận định rằng việc ông Lương Cường, một tướng lĩnh trong quân đội, được bầu làm chủ tịch nước Việt Nam phản ánh một thực tế về phân chia quyền lực giữa các phe của quân đội và công an tại đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo, đồng thời chấm dứt nỗ lực “tập trung quyền lực” của ông Tô Lâm, người đã kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư kiêm và chủ tịch nước trong nhiều tháng.

Hôm 21/10, sau phiên bỏ phiếu kín với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết về việc bầu ông Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư, làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Công an và quân đội tranh giành quyền lực?

“Chúng ta thấy khi ông Lương Cường lên tiếp quản chức chủ tịch nước thể hiện sự cân bằng quyền lực giữa công an và quân đội, cân bằng và thiết lập lại nhóm tứ trụ gồm tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội”, ông Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, người theo dõi những biến động chính trị cấp cao ở Hà trong thời gian qua, nêu nhận định cá nhân với VOA.

“Mặc dù có nhiều đồn đoán trước đây rằng Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ nắm giữ cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, mở ra thời kỳ mới với sự thống nhất quyền lực tương tự như Trung Quốc, nhưng chuyện ông Lương Cường lên cho thấy việc cân bằng lại quyền lực, lập lại tứ trụ, cân bằng giữa công an và quân đội”, ông Vũ nêu ý kiến.

“Qua đó, cho thấy sự không bằng lòng trong nội bộ đảng về cách thức mà ông Tô Lâm xây dựng quyền lực xoay quanh hệ thống công an”, vẫn ông Vũ.

Ông Tô Lâm có thời gian dài làm việc trong ngành công an trước khi được bầu làm tổng bí thư hồi tháng 8/2024, thay thế cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào và chiến sĩ cả nước”, ông Lâm phát biểu tại phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội hôm 21/10. “Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh kiên cường là một khối thống nhất về ý chí và hành động, sớm kiện toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự đồng thuận cao”.

Trước đó, vào hồi tháng 5/2024, ông Tô Lâm được bầu vào ghế chủ tịch nước thay thế cho ông Võ Văn Thưởng, người từ chức sau một cáo buộc tham nhũng.

“Khi ông Tô Lâm nắm giữ cả hai chức vụ thì có nhiều thông tin cho rằng bên quân đội không ưng, vì có sự tập trung quyền lực về phía công an và trong lịch sử thì chưa bao giờ có ông tổng bí thư là người từ công an cả, mà thông thường bên quân sự không có sự tôn trọng bên công an”, một người quan sát tình hình chính trị trong nước nêu ý kiến với VOA. Người này yêu cầu không tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Ông Tô Lâm, từng là bộ trưởng Bộ Công an, đã trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân vật quyền lực nhất kể từ khi ông Trọng mở rộng quyền lực một cách hiệu quả trong nhiệm kỳ 13 năm của mình trước khi qua đời hồi tháng 8/2024.

“Trong thời gian vừa qua, chính trường Việt Nam có nhiều cơn sóng ngầm giữa công an và quân đội. Bởi vậy, việc ông Lương Cường nắm giữ chức chủ tịch nước ngày hôm nay là một biểu hiện bên ngoài ‘rất hợp lý’ trong việc phân chia quyền lực trong những nhóm nội bộ của họ với nhau”, ông Nguyễn Viết Dũng, cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam, nêu nhận định của ông với VOA.

Hôm 21/10, hãng tin Reuters dẫn lời giới ngoại giao tại Việt Nam nhận xét rằng động thái “nhường” ghế chủ tịch nước của ông Lâm, có thể cho thấy sự thỏa hiệp về chia sẻ quyền lực trong đảng.

Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Tô Lâm, và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngày 21/10/2024.

Thế tứ trụ sẽ giúp cân bằng

Giới quan sát cho rằng việc quay trở lại cơ chế 4 trụ cột của Việt Nam có thể giúp giảm thiểu đấu đá chính trị nội bộ.

“Với động thái ngày hôm nay, ông tổng bí thư chia chức chủ tịch nước cho ông Lương Cường là một tín hiệu về phân chia quyền lực trong hai phe phái cạnh tranh chính trong chính trường Việt Nam là phe công an và phe quân đội”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Trao đổi với trang The New York Times hôm 21/10, ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: “Điều này có thể giúp giảm bớt căng thẳng phe phái bằng cách đảm bảo rằng quân đội có vai trò nổi bật trong sự lãnh đạo của quốc gia”.

“Điều này sẽ giúp ổn định hệ thống sau một thời gian xáo trộn đáng kể”, ông Giang bình luận.

Ông Cường là chủ tịch nước thứ tư của Việt Nam kể từ năm 2023 đến nay, sau các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Tô Lâm.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Cường, 67 tuổi, tự hào có 50 năm “phục vụ cách mạng”, nhắc lại rằng từ tháng 2/1975 ông đã đi bộ đội, chiến đấu để “giải phóng” miền Nam.

Ông Cường, người vừa sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 11/10, hứa trong bài diễn văn nhậm chức rằng ông sẽ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”.

Tân chủ tịch của Việt Nam từng là Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 2016. Ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 1/2021, đại biểu Quốc hội khóa XV từ tháng 5/2021, và thường trực Ban Bí thư từ tháng 5/2024.

Các tướng lĩnh làm chóp bu

Một quốc gia thời bình mà có những lãnh đạo hàng đầu là các tướng lĩnh khiến nhiều người đặt nghi vấn về nội tình đất nước, giới quan sát đưa ra nhận định.

Cả hai ông Lương Cường và Tô Lâm cùng được thăng hàm đại tướng vào tháng 1/2019. Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính, trước khi giữ chức thủ tướng chính phủ vào tháng 4/2021, từng là một trung tướng đảm nhận chức thứ trưởng Bộ Công an.

“Tôi nghĩ các nước dân chủ phương Tây sẽ e ngại với việc một đất nước thời bình mà dàn lãnh đạo lớn nhất toàn là tướng cả. Đó là một điều đáng lo ngại. Các ông tướng nói chung là không có nhiều kỹ năng kỹ trị, họ không được đào tạo để quản trị quốc gia”, một nhà quan sát trong nước đưa ra quan điểm.

Ở góc nhìn quốc tế, ông Huy Vũ nhận định rằng để một đất nước phát triển bền vững cần phải có một cơ chế phù hợp để chọn nhân tài làm lãnh đạo, chứ không nên tập trung quá nhiều vào quyền lực cứng – tức chỉ từ quân đội hay công an.

“Bên trong đảng có rất nhiều thành viên trong lĩnh vực dân sự và họ cũng rất có khả năng nhưng họ không có cơ hội để vươn lên một vị trí lãnh đạo để dẫn dắt quốc gia, đó là một thực tế!”, ông Huy Vũ đưa ra nhận xét.

VOA Tiếng Việt

Xem các tin khác của Hoa Kỳ & Thế Giới trong ngày