Home / Home page Achives/ Tin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ / Sự kiện / Đời Sống Mỹ/ Tin Portland cũ/ Daily News on Youtube/ Tin Ngắn Thế Giới / Portland có gì lạ/ Lưu Trữ / TẾT 2024 /
Nguồn: Graham Allison, “Trump Is Already Reshaping Geopolitics,” Foreign Affairs, 16/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các đồng minh và đối thủ của Mỹ đang ứng phó với cơ hội trở lại của Trump như thế nào?
Trong thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan gần như đã trở thành một vị thần ở Washington. Như câu nói nổi tiếng của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Đảng viên Cộng hòa đại diện bang Arizona, “Ông ấy sống hay chết cũng không thành vấn đề. Nếu ông ấy chết, chỉ cần đỡ ông ấy dậy rồi đeo kính đen cho ông ấy thôi.”
Trong 20 năm giữ chức chủ tịch Fed, từ năm 1987 đến năm 2006, Greenspan đã đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ. Một trong những lý do khiến ông trở nên nổi tiếng là chính sách mà thị trường tài chính gọi là “quyền bán theo Fed” (“Fed put” trong đó put là một hợp đồng quyền bán, cho phép người sở hữu quyền bán một tài sản với giá cố định trước một ngày cố định.) Trong nhiệm kỳ của Greenspan, các nhà đầu tư dần tin rằng dù các sản phẩm mới mà các kỹ sư tài chính tạo ra có rủi ro đến mức nào, thì nếu như điều tồi tệ xảy ra, hệ thống có thể tin tưởng rằng Fed của Greenspan sẽ đến giải cứu và chỉ định một mức sàn mà cổ phiếu sẽ không được phép giảm dưới mức đó. Niềm tin này đã được chứng minh: khi các chứng khoán và công cụ phái sinh được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Phố Wall dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và kéo theo đó là Đại suy thoái, Bộ Tài chính Mỹ cùng với Fed đã vào cuộc để ngăn chặn nền kinh tế trượt dài vào Đại khủng hoảng lần hai.
Động lực này nên được nhắc lại khi xem xét ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đối với quyết định của các quốc gia trên thế giới. Các nhà lãnh đạo hiện đang bắt đầu nhận ra thực tế rằng, chỉ một năm nữa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự có thể trở lại Nhà Trắng. Theo đó, một số chính phủ nước ngoài đang tính toán quan hệ của họ với Mỹ dựa trên cái gọi là “quyền bán theo Trump” (Trump put) – trì hoãn các lựa chọn với kỳ vọng rằng họ sẽ có thể đàm phán các thỏa thuận tốt hơn với Washington sau một năm nữa, vì Trump sẽ thiết lập một mức sàn về mức độ tồi tệ có thể xảy ra với họ. Ngược lại, những nước khác đang bắt đầu tìm kiếm điều gọi là “phòng bị Trump” (Trump hedge) – phân tích tác động tiêu cực tiềm tàng từ sự trở lại của ông ấy, để có sự chuẩn bị cho phù hợp.
BÓNG MA CỦA CÁC TỔNG THỐNG TRONG QUÁ KHỨ
Những tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến Ukraine là một ví dụ sinh động về “Trump put”. Trong những tháng gần đây, khi tình trạng bế tắc xuất hiện trên chiến trường, đã có nhiều đồn đoán rằng Putin đã sẵn sàng chấm dứt chiến tranh. Nhưng theo những người tin vào “Trump put”, nhiều khả năng cuộc chiến vẫn sẽ diễn ra ác liệt vào thời điểm này năm sau. Bất chấp sự quan tâm của một số người Ukraine đến một lệnh ngừng bắn kéo dài, thậm chí là đình chiến, để chấm dứt giết chóc trước khi một mùa đông khắc nghiệt khác lại đến, Putin biết rằng Trump đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh “trong một ngày.” Trump từng tuyên bố “Tôi sẽ nói với [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky rằng sẽ không có [viện trợ] nữa. Anh phải thỏa thuận.” Với khả năng cao là sau một năm nữa, Trump có thể đưa ra các điều khoản có lợi hơn nhiều cho Nga so với bất cứ điều gì mà Joe Biden đề xuất hoặc Zelensky chịu chấp nhận ở thời điểm hiện tại, nên Putin sẽ chờ đợi.
Ngược lại, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu phải xem đây là phòng bị Trump. Khi cuộc chiến Ukraine tiến dần đến cột mốc năm thứ hai, những hình ảnh xuất hiện mỗi ngày về sự tàn phá và chết chóc do các cuộc không kích và đạn pháo của Nga gây ra đã làm đảo lộn ảo tưởng của châu Âu về việc sống trong một thế giới mà chiến tranh là quá khứ xa vời. Như dự đoán, điều này đã dẫn đến sự hồi sinh lòng nhiệt tình đối với liên minh NATO và xương sống của nó: cam kết của Mỹ về việc bảo vệ bất kỳ đồng minh nào bị tấn công. Nhưng khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy Trump đang vượt trước Biden, nỗi lo đã ngày một lớn dần. Người Đức một lần nữa nhớ lại kết luận của cựu Thủ tướng Angela Merkel sau cuộc gặp của bà với Trump, “Chúng ta phải tự mình chiến đấu vì tương lai của mình.”
Trump không phải là lãnh đạo Mỹ duy nhất đặt câu hỏi tại sao một cộng đồng châu Âu có dân số gấp ba lần và GDP gấp hơn chín lần Nga phải phụ thuộc vào Washington để bảo vệ mình. Trong cuộc phỏng vấn thường được trích dẫn lại với tổng biên tập của The Atlantic, Jeffrey Goldberg, vào năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích châu Âu (và những nước khác) là “kẻ ăn bám.” Nhưng Trump còn đi xa hơn thế. Theo John Bolton, người lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia của Trump, cựu tổng thống đã nói “Tôi không quan tâm đến NATO” trong một cuộc họp năm 2019, và nghiêm túc đề cập đến việc rút hoàn toàn khỏi liên minh. Một phần, những lời đe dọa của Trump là theo một kế hoạch thương lượng nhằm buộc các nước châu Âu phải cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng của chính họ – nhưng chỉ là một phần thôi. Sau hai năm cố gắng thuyết phục Trump về tầm quan trọng của các liên minh của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã kết luận rằng khác biệt giữa ông và tổng thống sâu sắc đến mức ông không thể tiếp tục phục vụ được nữa, và ông đã giải thích thẳng thắn điều này trong lá thư từ chức năm 2018. Hiện tại, trang web tranh cử của Trump đang kêu gọi “đánh giá lại mục đích và sứ mệnh của NATO.” Vì điều này, trong lúc xem xét sẽ gửi bao nhiêu xe tăng hoặc đạn pháo tới Ukraine, một số nước châu Âu hiện đang dừng lại để hỏi liệu họ có cần những vũ khí đó để phòng thủ nếu Trump đắc cử vào tháng 11 hay không.
Những kỳ vọng bắt nguồn từ “Trump put” cũng đã xuất hiện tại thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 vừa kết thúc ở Dubai. Cho đến nay, các thỏa thuận COP về những gì các chính phủ sẽ làm để giải quyết thách thức khí hậu thường chỉ dựa trên khát vọng, nhưng thiếu hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, COP28 thậm chí còn ảo tưởng hơn khi tung hô cái gọi là một thỏa thuận lịch sử nhằm “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”.
Trên thực tế, các bên ký kết thoả thuận đang làm điều ngược lại. Các nhà sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt, và than đá lớn hiện đang tăng chứ không giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, họ đang đầu tư để tiếp tục làm như vậy trong tương lai xa nhất có thể. Nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ, đã mở rộng sản xuất mỗi năm trong suốt 10 năm qua và đã lập kỷ lục mới về sản lượng vào năm 2023. Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, đang ăn mừng tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội của mình bằng một chương trình năng lượng quốc gia với trọng tâm là than. Nhiên liệu hóa thạch này chiếm 3/4 sản lượng năng lượng sơ cấp của Ấn Độ. Về phần mình, Trung Quốc là nhà sản xuất số một về cả năng lượng tái tạo lẫn than gây ô nhiễm. Dù trong năm 2023 Trung Quốc đã lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn so với Mỹ trong vòng 50 năm qua, nhưng hiện nước này cũng đang xây dựng số lượng nhà máy than mới nhiều gấp sáu lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Do đó, dù COP28 chứng kiến nhiều cam kết về các mục tiêu cho năm 2030 và hơn thế nữa, những nỗ lực yêu cầu các chính phủ thực hiện bất kỳ hành động tốn kém, không thể đảo ngược nào để chuyển sang năng lượng xanh cũng đều bị phản đối. Các nhà lãnh đạo biết rằng nếu Trump quay trở lại và theo đuổi cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình là “khoan tiếp thôi nào,” thì những hành động như vậy sẽ không cần thiết. Giống như một trò đùa đã lan truyền tại COP28 “Kế hoạch chưa được công bố của COP28 nhằm chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là gì? Hãy đốt chúng càng nhanh càng tốt.”
MỘT THẾ GIỚI HỖN LOẠN
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump hứa hẹn một trật tự thương mại thế giới mới – hay hỗn loạn mới. Trong ngày đầu tiên nhậm chức năm 2017, Trump đã rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trong những tuần tiếp theo, các cuộc thảo luận nhằm tạo ra một hiệp định tương đương ở châu Âu cũng như các hiệp định thương mại tự do khác lần lượt chấm dứt. Sử dụng thẩm quyền đơn phương mà Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 trao cho nhánh hành pháp, Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc – mức thuế mà Biden gần như vẫn giữ nguyên. Như nhà đàm phán thương mại của chính quyền Trump, Robert Lighthizer – người đã được chiến dịch tranh cử của Trump xác định là cố vấn chính về những vấn đề này – đã giải thích trong cuốn sách xuất bản gần đây của ông, No Trade Is Free (Không có thương mại nào là tự do), nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ còn táo bạo hơn nhiều.
Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Trump tự gọi mình là “Ngài thuế quan” (Tariff Man). Ông hứa sẽ áp mức thuế phổ thông 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, và áp mức thuế tương xứng cho các quốc gia đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ, hứa hẹn “ăn miếng trả miếng, đánh thuế trả thuế.” Trump nói, hiệp ước hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương do chính quyền Biden đàm phán – Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng – sẽ “chết ngay từ ngày đầu tiên”. Đối với Lighthizer, Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm” và sẽ trở thành mục tiêu chính của các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ. Bắt đầu với việc hủy bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” mà Trung Quốc đã được cấp vào năm 2000, trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mục tiêu của Trump sẽ là “loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực quan trọng,” bao gồm điện tử, thép và dược phẩm.
Vì thương mại là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nên hầu hết các nhà lãnh đạo cho rằng gần như không có khả năng các sáng kiến của Mỹ có thể phá vỡ trật tự thương mại dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, một số cố vấn chính phủ hiện đang khám phá những tương lai trong đó Mỹ có thể thành công hơn trong việc tách mình ra khỏi trật tự thương mại toàn cầu, hơn là buộc các nước khác tách khỏi Trung Quốc.
Tự do hóa thương mại là trụ cột của quá trình toàn cầu hóa lớn hơn, vốn cũng là động lực cho sự di chuyển tự do hơn của người dân trên khắp thế giới. Trump đã thông báo rằng vào ngày đầu tiên của chính quyền mới, hành động đầu tiên của ông sẽ là “đóng cửa biên giới.” Hiện tại, mỗi ngày có hơn 10.000 công dân nước ngoài vào Mỹ từ Mexico. Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chính quyền Biden, Quốc hội đã từ chối cấp thêm hỗ trợ kinh tế cho Israel và Ukraine nếu không có những thay đổi lớn làm chậm đáng kể làn sóng di cư hàng loạt từ Trung Mỹ và các nơi khác. Trong quá trình vận động tranh cử, Trump đang biến việc Biden không đảm bảo an ninh biên giới Mỹ trở thành một vấn đề lớn. Ông đã công bố kế hoạch của riêng mình để truy bắt hàng triệu “người ngoại quốc bất hợp pháp” (illegal aliens) trong cái mà ông gọi là “chiến dịch trục xuất nội địa lớn nhất trong lịch sử Mỹ.” Ngay giữa kỳ bầu cử tổng thống của chính họ, người Mexico vẫn đang tìm kiếm từ ngữ để mô tả cơn ác mộng này, trong đó đất nước của họ có thể bị nhấn chìm bởi làn sóng hàng triệu người đi qua cả biên giới phía bắc và phía nam.
THÊM BỐN NĂM NỮA
Trong lịch sử, đã có những thời đại mà sự khác biệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về các vấn đề chính sách đối ngoại lớn chỉ nhỏ đến mức có thể nói rằng “chính trị dừng lại ở mép nước” (ý nói về sự đoàn kết quốc gia trong chính sách đối ngoại). Tuy nhiên, thập niên này không phải là một trong số các thời đại đó. Dù có thể gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại và đối tác của họ trên toàn thế giới, Hiến pháp Mỹ đã quy định tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống bốn năm một lần, một sự kiện tương đương với một nỗ lực thâu tóm thù địch trong giới kinh doanh.
Kết quả là, trong mọi vấn đề – từ các cuộc đàm phán về khí hậu hoặc thương mại, hay sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine, cho đến nỗ lực thuyết phục Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman hành động – Biden và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông nhận ra họ đang ở thế bất lợi khi những người đồng cấp của họ cân nhắc những lời hứa hoặc đe dọa của Washington trước khả năng họ sẽ phải đối phó với một chính phủ rất khác trong một năm kể từ bây giờ. Năm nay hứa hẹn sẽ là một năm đầy nguy hiểm, khi các quốc gia trên thế giới theo dõi nền chính trị Mỹ với sự hoài nghi, mê hoặc, kinh hoàng, và hy vọng. Họ biết rằng sân khấu chính trị này sẽ không chỉ chọn ra tổng thống tiếp theo của Mỹ, mà còn cả nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Graham Allison là Giáo sư về Quản trị chính quyền tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn “Định mệnh Chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thoát khỏi bẫy Thucydides?”